Đóng góp ý kiến xây dựng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm (Kỳ 8)
(Tiếp theo kỳ trước)
* Bà HỒ THỊ TÊ, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh, huyện Hướng Hóa:
Tạo điều kiện để phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi đồng tình cao với nội dung của dự thảo.
Tuy nhiên theo tôi, cần quan tâm đầu tư cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện hơn.
Cụ thể, bổ sung cơ chế chính sách về lĩnh vực hoạt động của hội phụ nữ như đào tạo kỹ năng cho cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số (DTTS) trong thực hiện công tác chuyên môn cũng như công tác hội.
Tạo điều kiện để phụ nữ vùng DTTS có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đầu tư phát triển nghề truyền thống có quy mô và bền vững gắn với du lịch cộng đồng vừa góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ DTTS.
Tăng cường cơ hội cho các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế tiếp cận thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ đào tạo nghề, cải thiện việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Có giải pháp xóa mù chữ cho phụ nữ DTTS.
* Ông HOÀNG HOA THÁM, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng:
Tăng cường các giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã có đánh giá rõ về trồng rừng kinh tế, nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Tôi cơ bản đồng ý với nhận định trên, tuy nhiên xin đề xuất bổ sung thêm một số nội dung trong phần giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn xung yếu.
Đó là bố trí lực lượng đủ mạnh để chốt chặn các khu vực trọng điểm; phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng liên quan như công an, quân sự, kiểm lâm, chính quyền địa phương… để cùng bảo vệ rừng. Bên cạnh đó chú trọng thu hút các dự án tiềm năng về giá trị thực nghiệm, tạo ra các mô hình lâm nghiệp lâm sản ngoài gỗ như trồng mây dưới tán rừng, trồng cây dược liệu sa nhân. Cùng với đó là giải pháp về tạo sinh kế, khoán bảo vệ rừng và thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, ưu tiên và chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, tôi thấy việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng có vai trò rất quan trọng trong xây dựng các mô hình chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức kinh doanh hợp tác, liên kết thành những tổ, đội sản xuất và tạo chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Cùng với đó cần mở thêm các lớp tập huấn tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tham gia trồng rừng FSC, để người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của rừng FSC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, giảm tải quá trình sử dụng đất.
* Bà LÊ THỊ CẢNH HOA, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong:
Đầu tư nguồn lực cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình phải tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới
Thời gian qua, công tác dân số - kế hoạch hoágia đình (DS-KHHGĐ) ở huyện Triệu Phong nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn.
Để công tác DS-KHHGĐ tiếp tục phát huy hiệu quả, theo tôi cần bổ sung một số cơ chế chính sách về dân số như phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp, đặc biệt là trong việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động về công tác dân số, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Cần có chế tài xử lý nghiêm hơn đối với cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển.
Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao... nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống mọi mặt của Nhân dân. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, bản, tổ dân phố.
* Ông ĐỖ AN CHUNG, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn, huyện Gio Linh:
Nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng nông thôn mới
Tôi thấy dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đánh giá được một cách khái quát về những thành tựu mà chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được trong 10 năm qua.
Tỉnh đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và xuyên suốt của tỉnh. Từ đó có nhiều giải pháp thúc đẩy chương trình xây dựng NTM tại các địa phương, tập trung chỉ đạo xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, nhằm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các xã miền núi và đồng bằng. Trên cơ sở những thành tựu tỉnh đạt được trong thực hiện chương trình xây dựng NTM thời gian qua, việc dự thảo Báo cáo chính trị đưa ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM; 75% số xã đạt chuẩn NTM; 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí… là hoàn toàn có cơ sở để thực hiện.
Để đạt mục tiêu đề ra, theo tôi dự thảo cần bổ sung thêm phần giải pháp để các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân.
Các địa phương cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cấp trên bố trí và huy động được.
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, cần tập trung rà soát lại để điều chỉnh một số tiêu chí chưa phù hợp. Đồng thời, để không huy động quá sức dân, nhà nước cần quan tâm đầu tư nhiều kinh phí hơn để các địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
* Ông NGUYỄN TRỊNH ĐIỂN, Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong:
Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thanh, thiếu niên học tập, lao động, công tác
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục có chính sách quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo các ngành liên quan tạo cơ chế phối hợp, nguồn lực giúp Đoàn Thanh niên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, chú trọng đến thực hiện Quy chế phối hợp giữa UBND các cấp và Đoàn Thanh niên để Đoàn Thanh niên phát huy được tiếng nói, vai trò của mình trong công tác tham mưu, có điều kiện để kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách đối với thanh niên và công tác thanh niên.
Các cấp chính quyền cần quan tâm thanh niên hơn nữa trong việc dạy nghề, giải quyết việc làm, có cơ chế đặt hàng với các doanh nghiệp hoặc hỗ trợ phát triển những ngành, nghề mà địa phương còn thiếu cần phát triển. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay, khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho thanh niên.
Nhà nước cần đầu tư các thiết chế văn hóa cho giới trẻ để giúp cho thanh, thiếu nhi vui chơi, học tập, trau dồi đạo đức, rèn luyện kỹ năng, nâng cao phẩm chất chính trị, đẩy lùi tệ nạn xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quê hương. Cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo các ngành có liên quan đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo điều kiện, cơ chế, nguồn lực trong các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng thanh niên trong tình hình mới.
* Bà LÊ THỊ KIM LIÊN, Khu phố 2, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ:
Cần xác định mục tiêu phát triển rõ hơn
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi cơ bản thống nhất với bố cục, nội dung của dự thảo.
Tuy nhiên, ở phần phương hướng và mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ tới, dự thảo báo cáo nêu phấn đấu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025, nằm trong nhóm 30 tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước vào năm 2030, tôi thấy tiêu chí chưa rõ. Xác định và hiểu tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao là như thế nào, căn cứ vào thu nhập bình quân đầu người hay thu ngân sách hoặc là chỉ số phát triển con người (HDI)? Trên thế giới, chỉ số HDI gồm tổng hợp của tuổi thọ trung bình, tỉ lệ biết chữ, giáo dục và các tiêu chuẩn chất lượng cuộc sống được sử dụng để đánh giá một quốc gia là nước phát triển, nước đang phát triển và nước kém phát triển. Nếu xét theo chỉ số HDI thì Quảng Trị ở tốp tỉnh nào tương ứng với nhóm phát triển, đang phát triển và kém phát triển?.
Nếu xét theo thu nhập bình quân đầu người hay thu ngân sách thì tỉnh Quảng Trị chưa đạt mức bình quân chung của cả nước, vậy nên đặt mục tiêu tỉnh có trình độ phát triển thuộc tốp trung bình cao khả thi hay chưa?. Nếu xét tổng hòa các tiêu chí theo quan điểm phát triển bao trùm thì khái niệm tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao là như thế nào? Theo tôi biết, hiện nay tỉnh Quảng Trị có trình độ phát triển chung đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố của cả nước, vì vậy nên đặt mục tiêu phấn đấu trình độ phát triển đứng vào tốp vị trí thứ mấy thì hợp lý hơn và có cơ sở để đánh giá rõ ràng hơn.
Về một số chỉ tiêu chủ yếu, tôi băn khoăn chỉ tiêu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 đạt 21.500 - 22.500 tỉ đồng, thu nội địa tăng bình quân 10 - 12%. Nếu lấy số thu ngân sách của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 1.500 tỉ đồng trong điều kiện khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống COVID-19 làm tham chiếu thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước cao hơn ở giai đoạn 2021-2025; nhất là trong giai đoạn này tỉnh sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án động lực ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, dự án đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Hành lang kinh tế Đông - Tây thứ hai nối từ Thái Lan, Lào, Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy... hình thành đi vào hoạt động đóng góp vào nguồn thu của tỉnh lớn hơn.
(Còn nữa)
TỔ PHÓNG VIÊN (lược ghi)
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=150947