Đông Hà cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng

Những năm gần đây, nhằm đưa thành phố Đông Hà đạt chuẩn về tiêu chí giao thông phấn đấu lên đô thị loại II, thành phố đã đầu tư nâng cấp và xây dựng mới nhiều tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như làm thay đổi diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp hơn. Trong quá trình xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều tuyến đường được thực hiện thuận lợi nhờ ít vướng mắc trong việc đền bù. Tuy nhiên, cũng có nhiều tuyến đường công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều ách tắc làm cho hoạt động thi công dở dang.

 Chỉ còn 1 hộ dân không chịu di dời mà đường Đặng Trần Côn, TP. Đông Hà giai đoạn 1 phải thi công dang dở - Ảnh: T.C.L

Chỉ còn 1 hộ dân không chịu di dời mà đường Đặng Trần Côn, TP. Đông Hà giai đoạn 1 phải thi công dang dở - Ảnh: T.C.L

Dự án đường Đặng Trần Côn ở Khu phố 10, Phường 5, thành phố Đông Hà được quy hoạch từ trước năm 2010, đến cuối năm 2017 thì thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng nhưng phải đến giữa năm 2020 mới tiến hành thi công. Tuy nhiên, đoạn đường ngắn thi công giai đoạn 1 chưa tới 200 m này vẫn phải dừng lại giữa chừng không thông tuyến được chỉ vì một hộ dân chưa đồng thuận với mức giá đền bù và chính quyền thành phố thì không dứt khoát.

Hiện chỉ còn 1 hộ của bà Lê Thị Mỹ có diện tích đất khai hoang trước năm 1993 và mới được cấp sổ đỏ trong thời gian gần đây. Nhưng không hiểu tại sao, khi đã có đầy đủ căn cứ pháp lý (sổ đỏ) và giá đất vườn, đất ở đối với đường Đặng Trần Côn (đã áp dụng đền bù giải tỏa cho những hộ sống trên con đường đó) mà UBND thành phố Đông Hà vẫn không thực hiện được công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với đất của hộ bà Mỹ ?! Nếu việc đền bù chưa thỏa đáng thì thành phố có thể xem xét để giải quyết cho bà Mỹ tránh thiệt thòi quyền lợi. Còn nếu thành phố thấy mức đền bù là phù hợp thì dứt khoát cưỡng chế để giải phóng mặt bằng.

Không nên để kéo dài từ năm này qua năm khác, rồi cuối cùng cũng đền bù theo ý của người dân với giá cao hơn. Làm như vậy, một mặt làm giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, mặt khác tạo nên tâm lý so bì của người dân dẫn đến kéo dài không chịu giải tỏa để đòi thêm tiền đền bù. Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Đông Hà Trần Ngọc Huy cho biết, dự án đường Đặng Trần Côn triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng từ năm 2017 nhưng có một số hộ dân không đồng ý với phương án đền bù nên khó thực hiện.

Ba năm đối với công tác giải phóng mặt bằng tại vài hộ dân là quá dài, một sự kéo dài không đáng có đối với đoạn đường khoảng 200 m của đường Đặng Trần Côn. Trong công tác giải phóng mặt bằng gặp phải việc không đồng thuận của người dân là chuyện bình thường. Nhưng nếu chính quyền quyết liệt, có sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể vận động Nhân dân, chính quyền xem xét giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên thì sẽ nhanh chóng tháo gỡ được vướng mắc từ phía người dân.

Thi công đường giao thông dang dở là tình trạng diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Đông Hà. Không ít tuyến đường vẫn còn một đoạn không xây dựng được do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến đường hoặc không thông được tuyến hoặc có những chỗ không thi công nằm ngay chính giữa con đường mới láng nhựa phẳng lỳ. Người dân không chịu di dời, còn thành phố thì để phó mặc cho đơn vị thi công chừa lại không xây dựng ở những chỗ chưa giải phóng xong mặt bằng vừa làm mất mỹ quan đường phố, vừa dễ gây tai nạn giao thông.

Đến nay, trên địa bàn thành phố Đông Hà có hàng chục trường hợp bị nghẽn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, trong đó có một số điểm kéo dài từ năm này sang năm khác như dự án đường Đặng Trần Côn, tuyến đường Đông LươngĐông Lễ, tuyến đường vành đai cứu hộ cứu nạn, đường Hoàng Diệu, đường phía Bắc đường Thành Cổ, đường Trường Chinh… Nếu không có sự vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thì rất khó để tháo gỡ. Trong khi đó, vốn đầu tư công của thành phố thì không giải ngân được vì không có khối lượng thi công.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải phóng mặt bằng chậm là do người dân chưa đồng thuận với mức giá đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Nhưng quan trọng hơn là sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn quá chậm, chưa tích cực, nhất là việc thẩm định các hồ sơ khi có các vấn đề vướng mắc phát sinh. Ngoài ra, một số văn bản có liên quan thường xuyên thay đổi…; dẫn đến tình trạng các dự án ách tắc kéo dài, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Công tác giải phóng mặt bằng đang đặt ra không ít khó khăn và thách thức trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Mặc dù từ năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 18 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong đó yêu cầu HĐND tỉnh xây dựng và thực hiện chương trình giám sát thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và các chủ trương, chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn toàn tỉnh đúng quy định của pháp luật, trong đó có thành phố Đông Hà.

Trước yêu cầu đặt ra đối với công tác giải phóng mặt bằng để thúc đẩy nhanh các công trình, nâng cao tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hơn lúc nào hết cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền để tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm từng “điểm nghẽn” trong công tác này. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giải phóng mặt bằng. Mặt khác, các cấp chính quyền cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm, kiên quyết xử lý cưỡng chế đối với các trường hợp chây ỳ để tạo sự công bằng, bình đẳng vì mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố, xây dựng đô thị Đông Hà ngày càng văn minh, hiện đại.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153699