Đông Hà nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Nhằm nâng cao chất lượng dạy- học, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường học ở thành phố Đông Hà quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy và học. 5 tháng đầu năm 2020, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai chương trình GD phổ thông, sách giáo khoa mới đến năm 2025 và thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình này. Phòng cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông giai đoạn 2019-2025…
Căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động và thời lượng GD mỗi cấp học và các môn học theo chương trình GD phổ thông mới, phòng đã chỉ đạo các trường tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV), nhân viên ở từng cấp học, lớp học, môn học theo lộ trình, thời gian thực hiện để tham mưu UBND thành phố tuyển dụng GV các môn học mới; lựa chọn đội ngũ GV cốt cán các môn học làm nòng cốt trong bồi dưỡng GV và triển khai chương trình GD phổ thông mới. Đồng thời tiến hành rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đề nghị thành phố đầu tư xây dựng, bổ sung đảm bảo đủ phòng học theo tỉ lệ 1 phòng/lớp, phòng tin học, ngoại ngữ đối với cấp tiểu học, phòng học bộ môn đối với cấp THCS.
Cùng với đó, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, GV luôn được thành phố quan tâm đúng mức. Đến nay, tất cả cán bộ quản lý trường học có trình độ đại học trở lên, 60,8% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 100% GV đạt chuẩn đào tạo trở lên. Tỉ lệ đảng viên trong toàn ngành chiếm trên 70%.
Phòng GD&ĐT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nội vụ tham mưu UBND thành phố tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các đơn vị trường học; tổ chức xét tuyển viên chức sự nghiệp GD của thành phố. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ, chính sách như xét nâng lương định kỳ, nâng lương vượt khung, thâm niên nghề, thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên lần đầu, giải quyết nghỉ hưu theo quy định của Chính phủ.
Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, GV giỏi về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, Phòng GD&ĐT quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đến tháng 5/2020, toàn thành phố có 20/32 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 62,50%, trong đó mầm non công lập 7/12 trường, tiểu học 7/11 trường, tiểu học và THCS 1/3 trường, THCS 5/6 trường.
Trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, Phòng GD&ĐT, các trường học quan tâm xây dựng thư viện trường học. Hiện một số trường tiểu học đang xây dựng “Thư viện thân thiện” của dự án Thư viện Room To Read với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học. Tính đến tháng 5/2020, thành phố có 8/11 thư viện trường tiểu học đạt tiên tiến trở lên, trong đó 4 thư viện xuất sắc, 4 thư viện tiên tiến, có 3/3 trường TH&THCS đạt thư viện tiên tiến, có 6/6 trường THCS đạt thư viện xuất sắc. Năm học 2019- 2020, thành phố phấn đấu tiếp tục nâng chuẩn cho các thư viện trường học.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT xây dựng và ban hành chương trình công tác trọng tâm, kế hoạch hành động, kế hoạch tuyên truyền công tác cải cách hành chính, duy trì nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2020 của phòng. Các cơ sở GD cũng đã xây dựng quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị phù hợp với quy định nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ tập thể của GV, tạo môi trường làm việc dân chủ, công khai, công bằng, ngăn chặn tiêu cực, tham ô tham nhũng, lãng phí trong nhà trường; giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại của phụ huynh, học sinh; thực hiện tốt “3 công khai” để GV, phụ huynh cùng tham gia giám sát hoạt động nhà trường.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành GD&ĐT thành phố Đông Hà còn gặp nhiều khó khăn cần được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân chung tay tháo gỡ. Trưởng Phòng GD&ĐT Đông Hà Lê Thị Tú Lệ cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất nhiều trường, kể cả một số trường đã đạt chuẩn mức độ 1 đang rất khó khăn như thiếu phòng học, thiếu phòng chức năng, nhà đa năng; việc xây dựng hoàn thiện trường qua nhiều năm nảy sinh tình trạng chắp vá, manh mún; nhiều trường khuôn viên chật hẹp không đảm bảo theo quy định trường đạt chuẩn quốc gia và phát triển về lâu dài. Hơn nữa, do nhu cầu học 2 buổi/ngày có bán trú cao, số lượng tuyển sinh đầu cấp năm học 2019- 2020 tăng đột biến, hệ thống phòng chức năng các trường chuyển sang để học 2 buổi/ngày nên ảnh hưởng đến việc duy trì và phát huy hiệu quả trường đạt chuẩn quốc gia. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố đến năm 2020 sẽ giảm nhiều do việc sáp nhập trường và nhiều trường đến thời hạn công nhận lại nhưng không còn đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất.
Về giải pháp trong thời gian tới, Trưởng Phòng GD&ĐT Đông Hà Lê Thị Tú Lệ cho biết thêm: Phòng tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 13 và Kết luận số 05 ngày 30/11/2016 của Thành ủy về phát triển GD&ĐT thành phố Đông Hà giai đoạn 2017- 2021, định hướng đến năm 2025. Tham mưu UBND thành phố điều chỉnh một số chỉ tiêu của đề án phát triển GD&ĐT thành phố giai đoạn 2017- 2021, định hướng đến năm 2025. Tham mưu UBND thành phố chuẩn bị tốt mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai thực hiện chương trình GD phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020- 2021. Đồng thời, chỉ đạo các trường học tổ chức quán triệt chương trình GD bộ môn đến tận GV và giao nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích chương trình, đề xuất cách tiếp cận chương trình mới; xây dựng chương trình dạy học bộ môn; nhận diện và dự báo khó khăn, đề xuất giải pháp thực hiện chương trình GD mới đạt hiệu quả cao nhất…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=149049