Đồng hành bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội
Tại phiên chất vấn thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV mới đây, nhiều ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhiều nội dung xoay quanh vấn đề bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội.
Những câu hỏi được đặt ra tập trung vào việc hiện nay môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại không chỉ ở trong nhà trường, xã hội mà cả trong gia đình. Vấn đề này trong giới văn nghệ sĩ cũng rất đáng báo động, gây bức xúc dư luận. Dù đã được chỉ ra từ lâu, nhưng đến nay cơ bản chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Vậy giải pháp nào để hạn chế, khắc phục tình trạng này?
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về văn hóa, thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, trong đó có việc ban hành Quy tắc ứng xử trong nghề nghiệp. Dù không phải là chế tài, nhưng bộ quy tắc ứng xử mang tính phạm trù đạo đức để văn nghệ sĩ tự giác thực hiện. Đây có thể xem như một thứ “pháp luật nội tâm”, nếu người có lòng tự trọng sẽ tuân thủ, nghiêm túc thực hiện.
Nhằm đấu tranh với nạn bạo lực gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, nhưng quan trọng nhất vẫn phải là việc vận động thực hiện bộ tiêu chí này một cách nghiêm túc, đồng bộ, đi vào thực chất, trong đó vai trò tổ chức, giám sát của chính quyền, đoàn thể các cấp là rất quan trọng. Phải xem đây là cuộc cách mạng lâu dài, tinh thần là phải nhân lên cái tốt bằng cách khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, gia đình văn hóa với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, từ đó lan tỏa, nhân lên những hình ảnh đẹp trong cộng đồng, gia đình.
Về vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong trường học cần phải có sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch và ngành giáo dục và đào tạo. Trong đó, các nhà trường phải khơi dậy được ở học sinh vai trò là chủ thể trong xây dựng đạo đức, lối sống, biết tự giác, biết khuôn mẫu, trên tinh thần phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, lan tỏa.
Văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực phát triển của xã hội, vì thế định hướng, điều hòa, nuôi dưỡng, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp phải là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chứ không thể là trách nhiệm riêng của ngành văn hóa. Dĩ nhiên, cơ quan quản lý văn hóa phải là cơ quan thường trực, đóng vai trò chủ thể, tham mưu, dẫn dắt, tạo cảm hứng lan tỏa để cả xã hội cùng đồng hành với mình. Tránh tình trạng mỗi cá nhân, tổ chức nhìn ra sự xuống cấp của đạo đức xã hội nhưng vẫn bàng quan, mặc nhiên với điều đó. Thậm chí chỉ biết phê phán, trông chờ vào cơ quan quản lý văn hóa, xem đó là nghĩa vụ và trách nhiệm duy nhất của ngành văn hóa.
Chỉ khi nào có sự vào cuộc thật sự, thống nhất về ý chí và hành động của tất cả chúng ta, thì mới hy vọng đẩy lùi được những thói hư, tật xấu, bảo vệ vững chắc nền tảng đạo đức xã hội. Nếu không có sự chung tay hưởng ứng và thực hiện của toàn xã hội, thì các quy định mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành dù có thiết thực, mạnh mẽ đến mấy cũng chỉ là những văn bản trên giấy mà thôi.