Đồng hành bảo vệ người lao động
Là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, tiếng nói của tổ chức Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động, nên bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của người lao động là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Báo Lao động Thủ đô. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố, công tác bảo vệ người lao động ngày càng được Báo Lao động Thủ đô thực hiện hiệu quả. Một số vụ việc mà chúng tôi đề cập trong bài viết là ví dụ điển hình góp phần tô thắm thêm tờ báo của tổ chức Công đoàn Thủ đô, xứng đáng là bạn đồng hành của đoàn viên, người lao động.
Từ nỗi niềm của người lao động...
Còn nhớ, khoảng 11h trưa 19/7/2021 (thời điểm Covid-19 đang diễn biến phức tạp), dưới cái nắng như đổ lửa, tại Trạm bơm Phương Bảng (xã Song Phương, huyện Hoài Đức), phóng viên Báo Lao động Thủ đô ghi nhận tốp công nhân của Đội thủy nông số 4, Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Đan Hoài (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy) đang miệt mài dùng những chiếc gậy dài để vớt từng đụm rác bám dưới kênh chính Đan Hoài (trục kênh chính tưới thông suốt cho huyện Đan Phượng, Hoài Đức, một phần quận Hà Đông và một phần quận Bắc Từ Liêm) làm sạch lòng kênh, khơi thông dòng chảy để phục vụ bà con trong công tác tưới tiêu.
Chứng kiến người lao động làm việc tại đây mới thấy được sự khó khăn, vất vả của công nhân ngành Thủy lợi. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc khiến ai cũng cảm thấy khó thở, tức ngực. Đặc biệt khi công nhân kéo lên những bao tải có xác lợn chết, dòi bọ bò lúc nhúc khắp nơi… thì đến cả những người lao động đã quen với công việc thường nhật cũng phải quay mặt đi một lúc. Rác dưới kênh thì không thiếu thứ gì, từ rác thải sinh hoạt cho đến xác động vật chết… khiến kênh Đan Hoài ô nhiễm khủng khiếp…
Công việc vất vả như vậy nhưng gần 30 công nhân lao động Đội thủy nông số 4 thời điểm này đang “trầy trật” với cuộc sống suốt 2 tháng qua vì bị chậm lương. Thời điểm này, khi dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp thì đời sống của người lao động lại càng khó khăn gấp bội. Có những gia đình cả hai vợ chồng đều cùng là công nhân thủy nông, cùng bị nợ lương. Cuộc sống trở nên bế tắc. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy, cho biết: Tính từ năm 2016 đến nay, Hà Nội còn 4 công ty thủy lợi và đều đang nợ lương người lao động.
Riêng Công ty Sông Đáy, hiện đang nợ lương 2 tháng với 890 lao động. Từ năm 2013 đến 2015, tiền lương của lao động rất ổn định, từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2016, lao động bị cắt giảm 40% nên lương rất thấp. Năm 2020 vừa rồi do bất cập từ quy định thuê các doanh nghiệp thủy lợi trên toàn quốc, phải xây dựng phương án giá mới đặt hàng được nên đến giờ chưa có địa phương nào thực hiện được. Do vậy ở Hà Nội cũng chưa có công ty thủy lợi nào xây dựng phương án giá. Đến giờ, Công ty mới trả được 17 tỷ đồng tiền lương, còn nợ lương lao động 8 tỷ đồng...
...Đến niềm tin được đền đáp
Chứng kiến những khó khăn của người lao động ngành thủy lợi, chúng tôi quyết tâm vào cuộc đến cùng để nỗ lực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Ngay sau khi gặp gỡ công nhân lao động, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty; lãnh đạo Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội. Đại diện Chi cục Thủy lợi Hà Nội đã chia sẻ những khó khăn mà người lao động ngành Thủy lợi nói chung cũng như Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy nói riêng và cho biết, đơn vị cũng đã có báo cáo lên lãnh đạo Thành phố về tình trạng khó khăn của các công ty thủy lợi.
Với trọng trách của mình, trong thời gian tới, Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục sát cánh cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy vai trò tiên phong trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tiếp tục tìm hiểu tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Tích; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội; mới thấy được nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay của các doanh nghiệp thủy lợi Hà Nội. Các đơn vị đều không đảm bảo nguồn kinh phí dụy trì hoạt động thường xuyên; chưa đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ liên quan, ổn định đời sống đối với người lao động để người lao động yên tâm công tác, nhất là vào thời điểm cả Thành phố đang căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19…
Nghiên cứu về những văn bản, chính sách liên quan đến chế độ của người lao động ngành Thủy lợi, cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia về lao động; những bài báo tiếp theo lần lượt ra đời. Và đến ngày 23/7, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền về các khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 trên địa bàn Thành phố. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ các quy định hiện hành của Trung ương và Thành phố; trường hợp cần thiết xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương; rà soát, quyết định phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đảm bảo đúng quy định pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 trên địa bàn Thành phố liên tục, kịp thời, đúng quy định pháp luật và thẩm quyền…
Tiếp đó, ngày 5/8/2021, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo về việc hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi người lao động tại các Công ty thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội. LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời nhằm ổn định quan hệ lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
Niềm vui cũng đã đến với người lao động ngành Thủy lợi sau loạt bài phản ánh của Báo Lao động Thủ đô. Trưa 6/8/2021, chúng tôi nhận được tin, công nhân Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi sông Đáy đã bắt đầu được nhận lương sau thời gian mòn mỏi đợi chờ. Lãnh đạo Công ty cho biết, sau khi ký hợp đồng đặt hàng năm 2021 với Ban Quản lý và dịch vụ thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội), Công ty đã được tạm ứng 27 tỷ đồng (trong tổng số 77 tỷ đồng). Số tiền trên, Công ty sẽ dùng để trả lương tháng 6, 7/2021 cho hơn 700 cán bộ công nhân viên. Thông tin từ đại diện của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, Ban Quản lý và dịch vụ thủy lợi cũng đã có quyết định về việc đặt hàng cung cấp dịch vụ thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp dân sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021. Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký hợp đồng đặt hàng với 4 Công ty ngành Thủy lợi với tổng số tiền là hơn 300 tỷ đồng. Các công ty cũng sẽ sớm trả lương cho công nhân lao động.
Có thể thấy, sự vào cuộc kịp thời, phản ánh trung thực về thực trạng của công nhân lao động ngành Thủy lợi đã giúp doanh nghiệp cũng như các cấp quản lý, Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành phố Hà Nội, LĐLĐ Thành phố… nắm bắt để lên tiếng đảm bảo quyền lợi người lao động. Với trọng trách của mình, trong thời gian tới, Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tùng sát cánh cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy vai trò tiên phong trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dong-hanh-bao-ve-nguoi-lao-dong-174108.html