Đồng hành cùng bản làng vượt khó
Từ những con giống, vật nuôi, vốn vay ưu đãi, hay những mô hình hiệu quả... Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh Quảng Ninh đã trao cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo điểm tựa vững chắc để vững tin vượt khó...

Anh Nịnh Văn Năm (thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) chăm sóc rừng gỗ của gia đình.
Sau hàng chục năm chỉ trồng keo tai tượng ngắn ngày cung cấp gỗ băm dăm, anh Nịnh Văn Năm (thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) nhận thấy đất đai của mình cứ dần dần bạc màu, khô kiệt, không phát triển được bất kỳ loài thực vật nào dưới tán. Được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đồng hành sát sao, cuối năm 2020 anh Năm quyết định chuyển đổi rừng sang trồng giổi và lim xanh là chủ đạo, với tổng diện tích gần 8ha. Xen kẽ trong khu rừng còn có các loại quế, cát sâm, mít... để lấy ngắn nuôi dài, hướng tới cách làm bền vững.
Đến nay, cánh rừng gỗ lớn đã qua hơn 4 năm sinh trưởng. Thân cây đã cao vọt, xòa bóng xanh mát trải khắp các triền dốc núi đồi đến ngút tầm mắt. Anh Năm chia sẻ: Ngoài giá trị hiện tại, rừng gỗ lớn còn là tài sản bền vững lâu dài cho con cháu sau này. Công việc của tôi được gia đình, bạn bè thấu hiểu; được cán bộ nông nghiệp, các đoàn thể địa phương chia sẻ, hỗ trợ sát sao, chu đáo. Đó là động lực quan trọng để tôi kiên trì như ngày hôm nay.
Với 90% diện tích là đất rừng, huyện Ba Chẽ được quy hoạch là vùng trọng điểm thay đổi cây rừng, có tỷ lệ trồng lim xanh, giổi, lát hoa cao nhất toàn tỉnh. Nhận thức lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cây rừng ngắn ngày sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, giổi, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.
Tại huyện đảo Cô Tô, để nâng cao đời sống của hội viên Hội Nông dân huyện Cô Tô đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu, từ đó thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.
Được vốn vay ưu đãi từ quỹ hội, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (khu 3, thị trấn Cô Tô) trở thành điển hình thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đầu tư mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống. Gia đình chị hiện có 2 nhà hàng, quy mô phục vụ khoảng 1.000 lượt khách cùng lúc, lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm. Mô hình tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập 15 triệu đồng/người/tháng. Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Thanh là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Để khích lệ hội viên sản xuất kinh doanh, giảm nghèo bền vững, Mặt trận Tổ quốc và các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Cô Tô chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức tín dụng, tranh thủ các nguồn vốn vay hỗ trợ cho nông dân. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do huyện quản lý là 4 tỷ đồng, cho 43 hộ vay với 5 dự án; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp tạo điều kiện cho 800 hộ nông dân vay vốn với tổng dư nợ gần 39 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Ngoài Hội Nông dân, còn có các mô hình, dự án, phần việc được cụ thể hóa từ các phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp", “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”... được đẩy mạnh về vùng sâu, vùng khó.
Những mô hình nông nghiệp mang tinh thần đổi mới, hiệu quả cao đã không còn là cá biệt ngay tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của Quảng Ninh. Hưởng ứng phong trào thi đua lao động được lan rộng những năm qua, khắp các vùng miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, có tư duy đổi mới, sáng tạo.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-hanh-cung-ban-lang-vuot-kho-10302798.html