Thời cơ mới cho kinh tế tư nhân

Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phải đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo bước ngoặt về phát triển KTTN… Đây là thông điệp của người đứng đầu Chính phủ nhằm tạo động lực, thời cơ mới để KTTN ở nước ta phát triển lên tầm cao mới.

Trong văn kiện Đại hội VI, Đảng ta đã xác định vị trí, vai trò của KTTN là một bộ phận cấu thành nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam. Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, KTTN tiếp tục được khẳng định là thành phần quan trọng lâu dài, trở thành động lực phát triển kinh tế và được tập trung phát triển mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính nhờ những quyết sách rất kịp thời của Đảng, sau gần 40 năm đổi mới, KTTN đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam hiện có hơn 940 ngàn doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Khu vực KTTN đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước; tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm 82% tổng số lao động trong nền kinh tế và đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Đã có không ít doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. KTTN là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế…

Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTN ở nước ta vẫn đối mặt với không ít “rào cản” nên sự phát triển ở lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng. Đó là khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, nhất là đất đai, vốn tín dụng; hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ; thủ tục hành chính còn rườm rà… Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp tư nhân ở nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị còn hạn chế; năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp nên năng suất, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao. Thậm chí, tư duy kinh doanh mang tính thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế ở một số ngành, địa phương vẫn chưa đầy đủ nên không ít doanh nghiệp chưa mạnh dạn đột phá để vươn mình ra biển lớn…

Với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi phải có nhận thức, tư duy mới, giải pháp đột phá để khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới cho KTTN. Vì vậy, bên cạnh nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, cần một chiến lược bài bản, mang tính đột phá, để doanh nghiệp tư nhân được giao nhiều trách nhiệm hơn, tham gia nhiều hơn vào các dự án mang tính chiến lược, dự án quan trọng quốc gia nhằm nâng cao năng lực và khẳng định vai trò của KTTN. Đồng thời, khuyến khích khối KTTN nâng cao chất lượng quản trị, ứng dụng công nghệ để hoạt động hiệu quả và tham gia sâu hơn nữa vào các chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, các cấp, ngành tập trung quán triệt sâu rộng nội dung bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm để nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về vị trí, vai trò quan trọng của KTTN trong kỷ nguyên vươn mình.

Tấn Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171105/thoi-co-moi-cho-kinh-te-tu-nhan