Đồng hành cùng con
Với trẻ bình thường, việc nuôi dạy vốn đã vất vả, thì với trẻ tự kỷ, chặng đường ấy phải trải qua nhiều chông gai, nhọc nhằn. Thế nên, nhiều cha mẹ có con không may bị tự kỷ đã dành tất cả tình yêu thương để giúp con hòa nhập với cuộc sống thường ngày.
Tất cả vì con
Cầm tờ giấy khen đạt danh hiệu học sinh xuất sắc của con, ánh mắt của anh Nguyễn Thanh Hà (40 tuổi), ở thôn Xuân Yên Đông, xã Bình Hiệp (Bình Sơn), lấp lánh hạnh phúc. Với anh, những tờ giấy khen không chỉ có ý nghĩa đánh giá một năm học của con, mà còn là món quà khích lệ, động viên tinh thần anh rất nhiều.
Năm 2015, vợ chồng anh Hà sinh con trai đầu lòng trong niềm vui đong đầy. Khi con hơn 2 tuổi, vợ chồng anh gửi con tại nhà trẻ. Cô giáo phát hiện con anh có những điều khác biệt khi bé chỉ ngồi một chỗ, không chơi cùng các bạn, không nghe lời cô gọi... Đưa con đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh), vợ chồng anh hoang mang, suy sụp khi kết quả chẩn đoán con bị rối loạn phổ tự kỷ.
“Nghe con bị tự kỷ, lòng tôi như chết lặng. Nhờ người thân, bạn bè thường xuyên đến nhà an ủi, động viên mới giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Qua lời khuyên của bác sĩ, việc dùng thuốc điều trị chỉ làm giảm tạm thời triệu chứng tăng động của con, nhưng ảnh hưởng về sau này. Chỉ có sự đồng hành của cha mẹ mới chính là liều thuốc chữa trị tốt nhất cho con”, anh Hà bộc bạch.
Sốt ruột trước tình trạng của con, anh Hà chạy xe đi tìm hỏi thăm các nơi để can thiệp bệnh tự kỷ cho con và rồi anh được giới thiệu đến một trung tâm chăm sóc, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Sau giờ học ở trường, mỗi buổi chiều, anh Hà còn chịu khó chở con đến nơi có đông trẻ con vui chơi. Cứ thế ròng rã suốt mấy năm trời, vừa cho con theo học tại trung tâm, vừa có cha bên cạnh kiên nhẫn hướng dẫn, dạy dỗ từng li từng tí, con trai anh phát triển tốt hơn. Các cô giáo tại trung tâm đã hướng dẫn anh Hà cho con học hòa nhập với trẻ mẫu giáo tại quê nhà.
Năm nay, con trai anh Hà đang học lớp 3. Với tình yêu của một người cha, anh Hà vẫn luôn kiên trì, nhẫn nại hỗ trợ, đồng hành cùng con. Với anh Hà, niềm vui nhỏ nhon chỉ là con đạt kết quả học tập tốt, yêu thích vẽ và thích tìm hiểu về bản đồ.
“Người thầy tốt nhất” chính là mẹ
Khi phát hiện con bị tự kỷ, trong lòng chị Nguyễn Thị Thảo Hiền (39 tuổi), ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), đầy lo lắng. “Tôi hoang mang, suy sụp vì thông tin về cách chữa trị bệnh tự kỷ còn khá mù mịt. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình phải cật lực đi làm để kiếm tiền điều trị cho con, nhưng sau đó, tôi nhận ra mình đã mắc sai lầm, vì sau 2 năm thuê người dạy con không hề cải thiện tình trạng. Để đưa ra quyết định nghỉ việc để đồng hành cùng con, khi tôi đang là giám đốc nhân sự tại một công ty, thật không hề dễ dàng gì. Nhưng tôi đã chấp nhận nghỉ việc, bởi tôi biết điều quan trọng hơn hết là con tôi cần mẹ để đồng hành”, chị Hiền chia sẻ.
Chị Hiền đọc nhiều sách, kết nối với một số phụ huynh có con bị tự kỷ, để tìm ra phương pháp can thiệp phù hợp cho con mình. Mỗi ngày chị xây dựng thời khóa biểu từ lúc 5 giờ đến 19 giờ cho hai mẹ con. Với trẻ bình thường, việc cầm đũa, mang dép là điều dễ dàng, thì chị Hiền cần đến 3 tháng mới tập được cho con kỹ năng mang dép, cả năm trời con mới tự cầm được đũa để ăn. Những vất vả, kiên trì của người mẹ được bù đắp, lúc chị dạy con xem các hình ảnh về xe, con chị phát ra từ “xe”. Phút giây đó khiến chị mừng đến rơi nước mắt...
Từ ước mơ chỉ cần con biết nói để thể hiện các nhu cầu cơ bản của bản thân, chị Hiền mạnh dạn cho con đi học hòa nhập. Những ngày đầu, con ngồi một góc lớp, xé giấy rồi thả khắp nơi, thích thì đi ra ngoài, nhưng đến năm lớp 3, vấn đề được cải thiện đến 80%. Tỉ mỉ, kiên nhẫn đồng hành cùng con từng li từng tí, chị Hiền còn dạy cho con nấu ăn, học đàn, học ngoại ngữ để con biết cách tập trung.
“Sâu thẳm trong thâm tâm của cha mẹ không may có con bị tự kỷ, luôn mong muốn con được hòa nhập, phát triển. Trẻ tự kỷ cần tình thương, sự động viên, tin tưởng và cả những thử thách để vượt qua. Tôi thấy mình may mắn vì có đồng nghiệp, bạn bè hỗ trợ, tìm được phương pháp phù hợp để đồng hành cùng con. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, tôi vẫn thường chia sẻ với các cha mẹ cùng hoàn cảnh, đừng bao giờ bỏ cuộc nhất là đừng bỏ qua giai đoạn vàng can thiệp sớm cho con. Với trẻ tự kỷ, cha mẹ còn là người thầy dạy dỗ, người bạn chơi cùng con và là liều thuốc tốt nhất để giúp con tìm thấy tiếng cười, giọng nói. Tia sáng luôn ở cuối đường hầm, điều tích cực sẽ chờ đón phía trước...”, chị Hiền chia sẻ.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202401/dong-hanh-cung-con-2b91081/