Đồng hành cùng hộ nghèo, gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững

Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Lặc (NHCSXH Ngọc Lặc) luôn nỗ lực đưa nguồn vốn ưu đãi phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của người dân. Từ nguồn vốn chính sách, hàng chục nghìn hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Ngọc Lặc được 'tiếp sức', được trao 'cần câu' đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững...

Cán bộ NHCSXH Ngọc Lặc kiểm tra tình hình sử dụng vốn chính sách tại thị trấn Ngọc Lặc.

Cán bộ NHCSXH Ngọc Lặc kiểm tra tình hình sử dụng vốn chính sách tại thị trấn Ngọc Lặc.

Đối với không ít người dân ở huyện Ngọc Lặc, lâu nay, tín dụng chính sách đã trở thành nguồn lực quan trọng, bền bỉ tiếp sức cho hành trình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Gia đình anh Trịnh Đình Quân ở thôn Cao Sơn, xã Cao Thịnh đã gắn bó với NHCSXH nhiều năm nay. Có vốn chính sách, anh cũng như hàng chục gia đình ở địa phương mạnh dạn đầu tư khai phá tiềm năng, phát triển mô hình trồng dứa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Quân chia sẻ: “Khoản vay đầu tiên của chúng tôi tại NHCSXH chỉ vài chục triệu đồng, đến nay, đã lên tới 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Từ những ngày đầu xây dựng mô hình kinh tế, nhờ nguồn vốn từ các chương trình hộ cận nghèo, giải quyết việc làm... đã giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Đến nay, gia đình tôi có hơn 3ha trồng dứa, chăn nuôi bò sinh sản, cho nguồn thu hơn 500 triệu đồng/năm. Điều phấn khởi là từ chỗ khó khăn, gia đình tôi đã có của ăn của để, nuôi các con ăn học đầy đủ”.

Để người dân tiếp cận được nguồn vốn chính sách thuận lợi, NHCSXH Ngọc Lặc đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Nguồn vốn vay của NHCSXH có lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải quyết nhanh chóng, nhiều trường hợp có thể thực hiện vay vốn mà không cần thế chấp. Người dân cũng thực hiện trả lãi thông qua tổ tiết kiệm - vay vốn, góp phần giảm thiểu về thời gian, chi phí đi lại. Bên cạnh ưu tiên nguồn vốn cho vay, ngân hàng luôn cùng với chính quyền cấp xã, đoàn thể, tổ tiết kiệm - vay vốn thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra hộ vay theo hướng “cầm tay chỉ việc” để hỗ trợ người dân chủ động dùng nguồn vốn đầu tư kinh doanh, trồng rừng, chăn nuôi... cải thiện sinh kế cho gia đình. Qua đó đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Được biết, đến giữa tháng 9/2024, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Ngọc Lặc đạt trên 610 tỷ đồng với gần 12.000 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, dư nợ các chương trình hỗ trợ để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, như: chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm... là những chương trình có dư nợ lớn. Cùng với việc giải ngân nguồn vốn vay, NHCSXH Ngọc Lặc cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại các phường, xã, các tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Tất cả đều hướng đến mục tiêu bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả như mong muốn.

Giám đốc NHCSXH Ngọc Lặc Hồ Minh Hoàn cho biết: Ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác tuyên truyền và triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Cùng đó, đội ngũ cán bộ ngân hàng luôn chủ động, sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt các nguy cơ nợ xấu để có giải pháp phối hợp, đôn đốc. Đặc biệt, luôn theo dõi sát sao, động viên những hộ vay vốn gặp khó khăn, tạo điều kiện gia hạn nợ cho những khách hàng gặp rủi ro đột xuất.

Thời gian tới, với mục tiêu đồng hành thực hiện các chương trình XDNTM, giảm nghèo bền vững, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất cho Nhân dân, NHCSXH Ngọc Lặc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các chương trình tín dụng chính sách vào các chương trình kinh tế - xã hội, các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế đặc thù của địa phương; chú trọng bảo đảm chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã và các tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ; tập trung thực hiện việc huy động vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; bảo đảm các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách đều được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách theo đúng phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phấn đấu 100% hộ nghèo, gia đình chính sách có nhu cầu được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dong-hanh-cung-ho-ngheo-gia-dinh-chinh-sach-vuon-len-thoat-ngheo-ben-vung-225524.htm