Đồng hành cùng hộ vay trong đại dịch

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở TX Sông Cầu (phải) trao đổi, nắm bắt tình hình sản xuất của hộ vay. Ảnh: LÊ HẢO

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Gia hạn nợ, cho vay bổ sung

Gia đình ông Nguyễn Y Mỏng ở thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) vay 12 triệu đồng vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Dù đi làm ở tận Đồng Nai nhưng tháng nào ông Mỏng cũng gửi tiền về trả lãi ngân hàng thông qua tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Tuy nhiên, hai tháng gần đây, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thu nhập của ông bị ảnh hưởng do công ty giảm thời gian làm việc của công nhân, chưa kể việc đi lại hạn chế khiến ông không gửi tiền về quê được. “Tôi rất lo lắng, sợ mình chậm trả nợ thì mất uy tín; khi cần vốn, ngân hàng không cho vay nữa. May sao, khi trình bày hoàn cảnh của mình, tôi được cán bộ ngân hàng thông cảm và làm thủ tục gia hạn thời gian trả lãi, trả nợ sang kỳ sau”, ông Mỏng cho hay.

Tại thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh - vùng nuôi tôm hùm có tiếng của TX Sông Cầu, gia đình ông Đỗ Thanh Dũng cũng như nhiều hộ nuôi tôm ở đây như đang ngồi trên đống lửa. Bởi từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 khởi phát ở Trung Quốc, thương lái đã giảm hẳn việc thu mua tôm hùm xuất khẩu, khiến giá tôm rớt thê thảm. Hiện tôm hùm xanh tại địa phương được bán với giá 480.000 đồng/kg, giảm khoảng 300.000 đồng/kg so với mức giá bình quân lâu nay. Theo ông Dũng, nếu xuất bán với giá này, người nuôi tôm hùm đã lỗ nặng. Thế nhưng, điều đáng nói là muốn bán cũng không có mấy người mua bởi xuất khẩu không được; còn bán trong nước thì số lượng hạn chế vì người tiêu dùng chỉ mua lẻ mỗi lần vài ký, không đáng là bao.

“Trước đây, gia đình tôi vay 50 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo từ NHCSXH để nuôi tôm hùm xanh. Đến nay, 10.000 con tôm thịt đã đến kỳ xuất bán nhưng không bán được; trong khi mỗi ngày cần đến tiền triệu để mua thức ăn cho tôm. Trước tình cảnh khó khăn của chúng tôi, mới đây, Phòng giao dịch NHCSXH TX Sông Cầu cho vay bổ sung 40 triệu đồng để gia đình cầm cự. Nguồn vốn đến đúng lúc chúng tôi đang cạn tiền nên rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài, người dân sẽ rất khó khăn. Tôi mong thời gian tới, NHCSXH sẽ giảm lãi, giãn thời gian trả nợ để chúng tôi có điều kiện tái sản xuất, trả nợ đầy đủ cho ngân hàng. Và mong nhất là dịch bệnh chấm dứt để kinh tế hồi phục”, ông Dũng bộc bạch.

Đảm bảo đủ vốn cho người nghèo

Theo NHCSXH Phú Yên, từ đầu năm 2020, ngay khi dịch COVID-19 khởi phát, ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp để vừa bảo vệ sức khỏe cán bộ, người lao động và khách hàng đến giao dịch, vừa đảm bảo hoạt động đầy đủ các phiên giao dịch định kỳ tại xã để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong 3 tháng đầu năm, chi nhánh đã giải ngân 354 tỉ đồng cho 10.981 lượt hộ vay vốn. Dư nợ đến cuối tháng 3/2020 là 2.922 tỉ đồng, tăng 68 tỉ đồng so với đầu năm, với khoảng 88.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2020, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19, NHCSXH Phú Yên đã tạm dừng hoạt động giao dịch xã từ ngày 1-15/4/2020; đồng thời tham mưu chính quyền địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế để triển khai giao dịch bù vào cuối tháng 4/2020 hoặc chuyển sang tháng 5/2020. Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đã yêu cầu cán bộ ngân hàng thường xuyên nắm bắt thông tin, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương theo dõi, rà soát khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như mức độ thiệt hại của hộ vay để kịp thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho vay bổ sung hoặc xử lý nợ rủi ro theo đúng quy định.

Cụ thể, đối với khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn chưa trả được nợ gốc đến hạn phân kỳ hoặc đến hạn cuối, ngân hàng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung để khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh theo quy định hiện hành. Đối với khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có đủ điều kiện xử lý nợ rủi ro thì hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với khách hàng đang điều trị bệnh hoặc được cách ly y tế do dịch COVID-19 theo quyết định của cấp có thẩm quyền nên không giao dịch được với NHCSXH và chưa trả nợ gốc đến hạn được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đến phiên giao dịch của tháng tiếp theo liền kề. Đến thời hạn trả nợ tháng tiếp theo, nếu khách hàng vẫn đang điều trị bệnh hoặc chưa hết thời hạn cách ly y tế do dịch và chưa trả được nợ gốc đến hạn thì tiếp tục được gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ...

Dịch bệnh xảy ra, khách hàng của NHCSXH bị tác động trước hết bởi họ hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Do đó, song song với hoạt động phòng chống dịch COVID-19, NHCSXH Phú Yên sẽ nỗ lực tập trung nguồn vốn để cho vay, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/237429/dong-hanh-cung-ho-vay-trong-dai-dich.html