Đồng hành cùng học sinh nghèo nơi biên giới bằng tình thương và trách nhiệm
Việc chăm sóc, đỡ đầu 28 học sinh theo Chương trình 'Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng' và Dự án 'Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường' đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tr'Hy (BĐBP Quảng Nam) không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình thương đối với những trẻ em vùng cao biên giới vốn chịu nhiều thiệt thòi. Việc làm này cũng nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó quân dân và thể hiện vai trò của BĐBP trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn biên giới phụ trách.
Tr’Hy, A Xan là 2 xã biên giới khó khăn của huyện Tây Giang, với hơn 90% là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Xuất phát điểm kinh tế, dân trí thấp, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, bởi vậy mà cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần hiếu học của người Cơ Tu ở A Xan, Tr’Hy luôn là tấm gương sáng cho nhiều nơi khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học ở mức cao.
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Tr’Hy đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các học sinh trên địa bàn, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng việc vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, thông qua Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để tặng quà là nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập, đồng phục để phần nào giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục giấc mơ con chữ. Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” là hoạt động tiếp nối để đồng hành cùng các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng luôn khát khao được đến trường.
Năm học 2024-2025 là năm học đặc biệt đối với Cơ Lâu Ân khi em rời Đồn Biên phòng Tr’Hy để xuống huyện học cấp 3. Cơ Lâu Ân đã có gần 5 năm ở Đồn Biên phòng Tr’Hy. Sinh hoạt theo giờ giấc bộ đội, Cơ Lâu Ân đã tập cho mình tính tự lập, bởi vậy, giờ đây, một mình xuống huyện trọ học, mọi người rất tin tưởng cậu học trò này sẽ làm được. Mừng hơn nữa, dù rời đồn Biên phòng nhưng Cơ Lâu Ân được đưa vào danh sách học sinh được đỡ đầu theo Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng". Như vậy, hàng tháng, Cơ Lâu Ân vẫn nhận được 500 nghìn đồng từ Đồn Biên phòng Tr’Hy. Số tiền này rất quan trọng với cậu học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ.
“Cháu luôn biết ơn các cha nuôi Biên phòng. Bố mẹ cháu đã mất, bà nội già yếu nên thời gian qua, không có các cha nuôi thì không biết cháu có theo học đến được như bây giờ không. Về huyện học, cháu hứa sẽ cố gắng để không phụ lòng các cha nuôi đã yêu thương, tin tưởng” - Cơ Lâu Ân tâm sự.
Ngày Cơ Lâu Ân rời đồn Biên phòng, người buồn nhất có lẽ là Hôíh Đức Hữu - người được Đồn Biên phòng Tr’Hy nhận làm con nuôi cùng với Cơ Lâu Ân. Thế nên, Hôíh Đức Hữu chỉ vui trở lại khi các bố Biên phòng nhận thêm con nuôi. Ngày 1/9 vừa qua, Đồn Biên phòng Tr’Hy đã tổ chức lễ nhận và đón con nuôi là Pơ Loong Khang (sinh năm 2013, nhà tại thôn Abaanh II, xã Tr’Hy, hiện là học sinh lớp 6, Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Lý Tự Trọng, xã A Xan). Pơ Loong Khang bằng tuổi với Hôíh Đức Hữu nên nhanh chóng thân nhau. Vì về Đồn Biên phòng Tr’’Hy trước nên Hữu ra dáng hơn, sẵn sàng chỉ những điều mà Khang chưa quen. Có lẽ, chính sự chu đáo của những người cha, sự nhiệt tình và có phần tương đồng của Hôíh Đức Hữu nên cảm giác lo lắng, e ngại khi đến một nơi hoàn toàn mới của Pơ Loong Khang nhanh chóng qua đi. Pơ Loong Khang hiểu rằng, mình sẽ phải cố gắng để xứng đáng với tình cảm mọi người dành cho mình.
Năm học 2024-2025, Ríah Vứt (sinh năm 2011, ở bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) là học sinh mới được Đồn Biên phòng Tr’Hy nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” vì Ký Om Phoon (bản Tà Vàng) đã tốt nghiệp lớp 12. Cha mất, mẹ bị bệnh phải điều trị dài ngày, Ríah Vứt ở với gia đình chú ruột. Vì hoàn cảnh khó khăn nên dù sinh năm 2011, nhưng Ríah Vứt năm nay mới học lớp 6, Trường cấp 2 huyện Kà Lừm. Tiền hỗ trợ 500 nghìn đồng mỗi tháng dành cho Ríah Vứt sẽ được Đồn Biên phòng Tr’Hy trao hoặc thông qua chính quyền địa phương trao tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tây Giang (Đồn Biên phòng Ga Ry).
Đối với 20 học sinh thuộc Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" của xã Tr’Hy và A Xan, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Tr’Hy luôn xác định phải thực hiện nghiêm và thực hiện tốt bằng cả lương tâm và trách nhiệm. Đó là, không chỉ trao tiền đủ, đúng thời gian, cấp ủy, cán bộ phụ trách địa bàn còn thường xuyên theo dõi, gặp gỡ, động viên các em học tập tốt; thường xuyên giữ mối liên hệ, trao đổi với nhà trường về tình hình học tập cũng như rèn luyện của các em để có những uốn nắn kịp thời, phù hợp.
Năm học 2023-2024, Đồn Biên phòng Tr’Hy đã chi 120 triệu đồng cho 28 học sinh được đỡ đầu, trong đó, huy động các nguồn lực 50 triệu đồng, cho thấy sự linh hoạt của đơn vị đối với hoạt động chăm sóc, đỡ đầu các học sinh. Năm học 2023-2024, có 5 học sinh xuất sắc, 8 học sinh giỏi, 11 học sinh khá, còn 4 em chỉ đạt học lực trung bình và đạt. Đặc biệt, cháu A Lăng Thị Mí trúng tuyển ngành Cao đẳng điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Niềm vui này vô cùng lớn vì nó là “trái ngọt” sau những năm miệt mài cùng các thầy cô giáo “trồng người”.
Đầu năm học mới 2024-2025, Đồn Biên phòng Tr’Hy và UBND xã A Xan, Tr’Hy tổ chức gặp mặt và tặng quà động viên cho 28 học sinh được đỡ đầu theo Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng" và Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường". Mỗi em nhận được phần quà gồm sách vở, đồ dùng học tập, chăn màn và 1 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Bling Rưu, Phó Chủ tịch UBND xã Tr’Hy thay mặt cấp ủy, chính quyền, Ban Giám hiệu nhà trường và nhân dân gửi lời cảm ơn chân thành trước những tình cảm quý báu và sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tr’Hy đã dành cho các em học sinh. Các em được đưa về đồn ở, được hỗ trợ tiền hàng tháng, được tặng dụng cụ học tập, nhu cầu thiết yếu và phương tiện di chuyển đầu năm học là việc làm đầy ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc. Ông Bling Rưu khẳng định, thời gian tới, xã sẽ thường xuyên phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện giáo dục, rèn luyện để các em học sinh được đồn nhận nuôi và đỡ đầu ngày càng tiến bộ, trưởng thành.