Đồng hành cùng nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường
Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh được thành lập năm 2010, do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Sau hơn 12 năm đi vào hoạt động, quỹ đã khẳng định vai trò là một “kênh” huy động vốn ưu đãi, giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư các dự án, công trình xử lý ô nhiễm môi trường.
Với 2 tỷ đồng vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường, năm 2020, Công ty cổ phần Xây dựng Century Vina, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên đã đầu tư mua đất, mở rộng diện tích sân phơi để xử lý rác thải, tránh ùn ứ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc công ty cho biết: Công ty đảm nhận nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải của thị trấn Hương Canh. Để việc xử lý rác thải hiệu quả, năm 2014, công ty triển khai hệ thống lò đốt rác công nghệ cao với công suất thiết kế từ 25 - 30 tấn rác/ngày.
Tuy nhiên, từ năm 2019 do tốc đô thị hóa của thị trấn nhanh nên lượng rác thải phát sinh lớn, ước tính lên đến hơn 20 tấn rác/ngày. Trong khi, diện tích sân của công ty không đủ để tập kết, phơi rác thải trước khi cho vào lò đốt.
Do đó, công ty đã lập hồ sơ vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường để mua thêm 3.000 m2 đất, mở rộng diện tích sân phơi rác thải. Sau khi mở rộng, việc xử lý rác thải của công ty hiệu quả hơn, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường của thị trấn Hương Canh.
Theo quy định của Quỹ Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, HTX, trang trại có các công trình, dự án liên quan đến bảo vệ, cải tạo môi trường như thu gom, xử lý nước thải; mua xe vận chuyển rác; xây dựng công trình phục vụ hoạt động xử lý rác thải; lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường (đất, nước, không khí) tự động; đầu tư công trình xử lý phân, nước thải trong chăn nuôi đạt chuẩn môi trường trước khi xả thải ra sông, suối… sẽ được vay vốn với lãi suất cho vay tối đa bằng 50% so với lãi suất của ngân hàng tại thời điểm hiện tại.
Với phương châm cho vay không vì mục đích lợi nhuận, năm 2021, Quỹ Bảo vệ môi trường đã giải ngân cho 7 doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi vay vốn để đầu tư xây dựng các công trình, dự án bảo vệ môi trường, với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, Quỹ Bảo vệ môi trường làm tốt công tác thẩm định, đánh giá hồ sơ vay vốn. Sau khi giải ngân, quỹ phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, thẩm định công trình sau khi hoàn thành và đôn đốc các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi đầy đủ, đúng hạn.
Vì thế, năm 2021, mặc dù dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, song, các đơn vị đều rất nỗ lực thực hiện hoàn trả nợ gốc theo đúng cam kết. Đến nay, đã có 11 đơn vị hoàn trả vốn cho quỹ, với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Bên cạnh việc cho vay ưu đãi, Quỹ Bảo vệ môi trường còn tài trợ cho các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Trong năm 2021, Hội đồng Quản lý quỹ đã phê duyệt tài trợ 53 triệu đồng để phối hợp với Đoàn Thanh niên thành phố Vĩnh Yên tổ chức chương trình tập huấn và triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” tại phường Hội Hợp và mô hình “Trường học hạn chế rác thải nhựa” tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc.
Với ưu điểm lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, những năm qua, Quỹ Bảo vệ môi trường được xem là “chiếc phao tài chính” của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên hoạt động hỗ trợ của quỹ đang gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Ban Điều hành Quỹ Bảo vệ môi trường Nguyễn Quốc Hương cho biết: Hiện, tổng nguồn vốn của quỹ có 53 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay vốn từ quỹ để thực hiện các dự án, công trình bảo vệ môi trường rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Do đó, số lượng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tiếp cận nguồn vốn vay của quỹ không nhiều.
Với quan điểm đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để các đối tượng có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn, thẩm định công trình sau hoàn thành; thường xuyên đôn đốc các tổ chức, cá nhân đang vay vốn thực hiện trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn; tổ chức khảo sát, lựa chọn các chương trình, dự án bảo vệ môi trường có nhu cầu được tài trợ, hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt các chương trình đã được phê duyệt.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng như hiện nay, Quỹ Bảo vệ môi trường mong muốn UBND tỉnh tăng vốn điều lệ và vốn bổ sung kinh phí cho quỹ hằng năm để có thêm nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư xây dựng công trình, dự án và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường.