Đồng hành cùng người dân biên giới bằng cả tấm lòng
Với tình thương và trách nhiệm của người lính quân hàm xanh, Đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Đắk Lắk luôn dành nhiều tâm huyết với đồng bào nghèo ở khu vực biên giới của tỉnh. Chị là hạt nhân tiêu biểu trong Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương', tích cực tham mưu, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động hướng về người dân, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực biên giới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây.
Dù đang đi công tác phía Bắc, nhưng Đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga vẫn bận rộn trao đổi, liên lạc với cán bộ Biên phòng ở cơ sở với việc khảo sát và triển khai ý tưởng khoan giếng nước phục vụ nhân dân trong mùa khô này. Quan tâm, đồng hành cùng nhân dân ở khu vực biên giới là việc làm thường xuyên của chị. Trong những năm qua, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” ngày càng lan tỏa và lớn mạnh, nhiều chương trình, hoạt động mang tính nhân văn, có ý nghĩa to lớn, thiết thực góp phần làm vơi bớt những khó khăn, vất vả, lo toan cuộc sống của nhân dân trên khu vực biên giới, đặc biệt là những phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, yếu thế...
Hưởng ứng và thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", cùng với đồng đội, Đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga luôn tích cực vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay, phối hợp tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội hướng về nhân dân ở khu vực biên giới. Hàng loạt hoạt động ý nghĩa thiết thực được tổ chức, đó là khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho phụ nữ, trẻ em và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, “Ngày hội bánh chưng xanh”, “Gian hàng 0 đồng”, “Gian hàng kết nối yêu thương”, “Trao tặng học bổng”, “Trao sinh kế”...
Đồng thời, Đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga còn đặc biệt quan tâm đến việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái nên chị đã nhiều lần vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm, đồng thời, tham mưu, đề xuất cấp trên tổ chức trao quà, học bổng, máy tính, bàn ghế, xe đạp... cho phụ nữ, trẻ em nghèo ở khu vực biên giới. Năm 2022-2023, đã có hơn 1.000 suất quà, 1 dàn máy vi tính, trên 100 xe đạp, hơn 200 suất quà là dụng cụ học tập, quần áo và giày thể dục-thể thao học sinh... được trao tận tay người dân. Ngoài ra, chị đã tham mưu đề xuất thủ trưởng khảo sát, xây dựng, trao tặng 2 căn nhà “Mái ấm biên cương” cho hộ gia đình chính sách trên địa bàn 2 xã Ia Lốp, Ia Rvê, trị giá 200 triệu đồng, với nguồn kinh phí vận động từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, cá nhân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Chị chia sẻ: “Người dân nói chung và chị em phụ nữ ở khu vực biên giới nói riêng muốn thoát khỏi đói nghèo, điều họ cần không phải chỉ là quà, là bánh kẹo, tiền, quần áo... mà điều họ cần là thay đổi nhận thức, suy nghĩ, trình độ. Cùng là phụ nữ, tôi luôn mong muốn chị em ở vùng biên giới có thể thay đổi tư duy, nhận thức để làm chủ cuộc đời mình và nuôi dạy, truyền đạt điều đó cho con cái của họ”.
Nghĩ là làm, dù công việc chuyên môn và gia đình luôn bận bịu, nhưng Đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga vẫn tranh thủ thời gian, chủ động phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn các xã biên giới trên địa bàn tỉnh thực hiện Đề án “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Kết quả, năm 2023, chị đã kêu gọi, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ heo và thỏ giống cho 4 gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở 3 xã Ya Lốp, Ia Rvê, Krông Ana. Cùng với đó, 250 con gà giống cũng đã đến tay của hơn 20 hộ dân trên địa bàn xã Ia Rvê. Niềm vui và hi vọng nhận được con giống của những hộ gia đình khó khăn chính là nguồn động lực lớn lao để Đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga tiếp tục công việc của mình.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga đã phối hợp với Hội Thiện Tâm 47, các nhà hảo tâm và nhiều cá nhân hỗ trợ cho các tổ, chốt của BĐBP Đắk Lắk đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trên biên giới và đồng bào khó khăn trên khu vực biên giới tỉnh gần 92 triệu đồng, 2.000 khẩu trang kháng khuẩn, 1.000 chai nước sát khuẩn, 100 kính chống giọt bắn, lương thực, thực phẩm và nhiều nhu yếu phẩm khác, trị giá gần 93 triệu đồng.
Ngoài ra, Đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga đã tham mưu, đề xuất cấp trên phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố Buôn Mê Thuột, Bệnh viện Đại học Tây Nguyên, Câu lạc bộ Tây Nguyên Xanh và các nhà hảo tâm ủng hộ thuốc, vật tư y tế, quà, nhu yếu phẩm và các mạnh thường quân chung tay tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí, tặng quà và vật tư y tế, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Ia Rvê, Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trị giá hơn 126 triệu đồng và gần 100 phần thuốc điều trị F0, các vật tư y tế trị giá hơn 20 triệu đồng.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu-kết nối yêu thương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức, Đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga đã vận động doanh nghiệp Cà phê Nguyễn Thị Phượng ở thành phố Buôn Mê Thuột nhận đỡ đầu 2 chị em Lê Thị Xuân Thảo và Lê Đức Hiếu, xã Ear Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 với số tiền 500.000 đồng/cháu/tháng. Vận động gia đình ông Nguyễn Tiến Vũ và Hội thiện nguyện 58 Nguyễn Đình Chiểu ở thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ số tiền 70 triệu đồng trong Chương trình “Mẹ đỡ đầu” giúp đỡ cháu Y Đăng Ê Ban mồ côi, với quà và tiền mặt gần 9 triệu đồng, cùng số tiền hỗ trợ 500.000 đồng/tháng; trao tặng mô hình “Heo giống sinh sản” cho bà Bàn Mùi Loại, người dân tộc Dao ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.