Đồng hành cùng người nghèo vượt qua đại dịch
Đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Trước tình hình đó, ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Ninh Bình đã tích cực đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay, nhằm kịp thời hỗ trợ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
Gia đình bà Đinh Thị Oanh ở thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng bị ung thư, tiền thuốc thang chữa trị, sinh hoạt gia đình trông cậy hoàn toàn vào những chuyến đò chở khách du lịch của chị tại bến thuyền Tam Cốc. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động du lịch bị đình trệ, chị cũng mất luôn nguồn thu nhập này.
Chị Oanh tâm sự: Tôi đang không biết xoay sở thế nào thì may mắn được Hội Nông dân xã giới thiệu, để tiếp cận, làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH. Tôi sử dụng số tiền này để mua máy xay xát gạo, làm dịch vụ cho bà con trong làng, nguồn cám phụ phẩm thu được thì tận dụng để chăn nuôi lợn, gà có thêm thu nhập. Thực sự nguồn vốn của Ngân hàng CSXH là "cứu cánh" giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Còn gia đình anh Định Ngọc Thụy ở thôn Thượng Đồng, xã Văn Phong, huyện Nho Quan lại có một hoàn cảnh khác: hai vợ chồng trẻ dành dụm mãi mới mua được 1 chiếc xe ô tô để làm dịch vụ taxi nhưng làm ăn chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 ập đến, không có khách.
Anh Thụy cho biết: Dự tính tình hình dịch bệnh chưa thể "một sớm một chiều" khống chế được. Vốn có chút kiến thức về xe ô tô, lại có sẵn mặt bằng, nên vợ chồng tôi tính chuyển sang mở gara sửa chữa, bảo dưỡng ô tô. Đang loay hoay không biết xoay đâu ra vốn thì được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm, cộng thêm tiền mượn từ anh em, bạn bè tôi liền đầu tư mua sắm máy móc, hóa chất để làm.
Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng lượng khách của Meguiar's Autospa của chúng tôi khá đông. Không chỉ tăng thu nhập mà cơ sở của chúng tôi còn tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho 3 lao động địa phương.
Được biết, ngay từ đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp để huy động nguồn lực tài chính, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong việc phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh.
Trong đó, trọng tâm là tham mưu cho UBND các cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH. Bên cạnh đó, tổ chức "Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo" trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo được sự lan tỏa, thu hút được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH.
Do vậy, năm 2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tăng trưởng 239 tỷ đồng (+9,14%).
Song song với đó, để kịp thời chuyển tải nguồn vốn đến với người dân, Ngân hàng CSXH tỉnh còn chỉ đạo Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng của dịch COVID - 19, người lao động di chuyển từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, để xem xét, hướng dẫn họ các thủ tục cần thiết.
Bên cạnh đó, Ngân hàng còn cho vay bổ sung, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ và cho vay mới đối với các hộ vay gặp khó khăn; tham mưu UBND tỉnh giảm 10% lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng CSXH từ nguồn vốn ngân sách UBND tỉnh ủy thác sang.
Ngoài ra, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã linh hoạt chỉ đạo Ngân hàng CSXH tiếp nhận giấy xác nhận của học sinh, sinh viên qua hòm thư điện tử; triển khai nhân rộng hình thức giao dịch không dùng tiền mặt…
Đặc biệt, trong thời gian qua, Ngân hàng CSXH tập trung khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Năm 2021, Chi nhánh đã thực hiện giải ngân được 1.761 triệu đồng cho 5 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 460 lượt lao động. Trong đó: 1 người sử dụng lao động vay 64 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 18 lượt lao động; 4 người sử dụng lao động vay 1.697 triệu đồng trả lương phục hồi sản xuất cho 442 lượt lao động.
Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 đã gây tác động không nhỏ đến tình hình hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn. Song bám sát các chỉ tiêu kế hoạch được giao, chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động chỉ đạo kịp thời, sát sao chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, các đơn vị có liên quan thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa đảm bảo an toàn, vừa triển khai thông suốt, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tiếp tục ổn định và ngày càng được củng cố nâng cao. Trong năm, đã có trên 29 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 5 nghìn lao động; giúp gần 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 20.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; giúp trên 100 hộ gia đình được xây dựng nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ kịp thời đến đối tượng khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.