Đồng hành cùng nông dân Bắc Kạn xây dựng, quảng bá sản phẩm OCOP
BBK -Hết năm 2022, toàn tỉnh có 182 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Kết quả này, có sự đóng góp của các cấp Hội Nông dân trong tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng KHKT, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Xã Khang Ninh (Ba Bể) là địa phương có diện tích trồng cây chuối tây lớn của huyện Ba Bể, để khai thác lợi thế này Hợp tác xã (HTX) Hoàng Huỳnh đã nghiên cứu, sản xuất sản phẩm chuối sấy dẻo.
Năm 2019 sản phẩm chuối sấy dẻo được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều, thị trường từng bước được mở rộng. Hằng năm, HTX đã tiêu thụ trên 90 tấn chuối tây cho các hộ trên địa bàn xã. Doanh thu từ chế biến chuối sấy dẻo đạt trên 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương.
Ông Hoàng Văn Huynh, Giám đốc HTX Hoàng Huynh cho biết: Để có những thành quả như hôm nay, HTX nhận được sự hỗ trợ từ các cấp Hội Nông dân trong việc tập huấn kỹ thuật cho thành viên liên kết về trồng, chăm sóc chuối theo quy chuẩn an toàn, hữu cơ; nguồn vốn vay ưu đãi; đưa sản phẩm của HTX sản xuất quảng bá trong các hội chợ thương mại, gian hàng tại nhiều địa phương… Để nâng tầm sản phẩm OCOP, HTX vận động thành viên và Nhân dân trong xã mở rộng diện tích, đầu tư máy móc chế biến, xây dựng bao bì, mẫu mã để phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW ngày 27/7/2020 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025”, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn đã tập trung vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, liên kết cùng nhau phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao được giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung kết nối thị trường, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.
Đơn cử như: Triển khai thành công dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến miến dong” tại xã Yến Dương (Ba Bể), hỗ trợ mua 01 bộ dây chuyền tráng miến cho HTX Yến Dương trị giá 130 triệu đồng; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ HTX Hoàng Huynh, xã Khang Ninh (Ba Bể) 02 máy sấy chuối; 01 dây chuyền sấy hơi nước công nghệ cao cho HTX Tân Dân (thành phố Bắc Kạn). Tổ chức 10 hội nghị bàn tròn các cấp bàn về giải quyết, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 25 lớp tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 cho 1.508 hội viên tham gia, trực tiếp hướng dẫn thành lập 52 HTX, 625 tổ hợp tác (THT). Đến nay, đã có 87/108 cơ sở Hội xây dựng được mô hình kinh tế tập thể, trực tiếp hướng dẫn xây dựng 52 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.
Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, các cấp Hội Nông dân đã tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp để kết nối đưa sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị như sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể, miến dong Bắc Kạn, gạo Bao thai Chợ Đồn…
Hội Nông dân tỉnh đã thẩm định và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn” cho 22 cơ sở sản xuất; Hội Nông dân huyện Chợ Đồn cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gạo Bao thai Chợ Đồn” cho 10 hộ, 01 doanh nghiệp, 01 HTX và 09 cơ sở Hội; Hội Nông dân huyện Ngân Sơn cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Khẩu Nua lếch” cho 03 cơ sở.
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh tham mưu tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh nhằm phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp và hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân thông qua sản giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Đến nay, Hội đã lựa chọn được 314 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sản thương mại điện tử Postmart.vn.
Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn xác định tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển hàng hóa bền vững là khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 100% Hội Nông dân cấp xã xây dựng được mô hình kinh tế tập thể, 40 sản phẩm OCOP.