Đồng hành cùng nông dân
Bám sát nhiệm vụ được giao, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều mô hình trình diễn, trở thành cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho nông dân. Qua đó, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Thực hiện các dự án khuyến nông, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa vụ Mùa, vụ Xuân với quy mô 62,5 ha; đây là năm thứ 3 dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Áp dụng phương pháp làm mạ khay, cấy máy với mật độ được điều chỉnh hợp lý tạo điều kiện cho cây lúa quang hợp, hấp thụ dinh dưỡng tối đa, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.
Theo đánh giá của các hộ nông dân, cây lúa cấy máy cho năng suất đạt 70 tạ/ha ở vụ Xuân và 61,6 tạ/ha ở vụ Mùa, cao hơn 13% so với cấy tay, vì thế hiệu quả kinh tế tăng hơn 7,3 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, mô hình còn giảm được các chi phí sản xuất khác như: Giảm 30% lượng giống sử dụng, giảm chi phí cấy 840 nghìn đồng/ha, giảm chi phí chăm sóc lúa, đồng thời tăng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Một trong những kết quả nổi bật của Trung tâm là triển khai Dự án xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt, xử lý môi trường chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, được thực hiện tại 10 hộ của 2 xã Vân Trục, huyện Lập Thạch và Tứ Yên, huyện Sông Lô với tổng số 100 con bò thịt.
Thức ăn sử dụng để vỗ béo bò thịt gồm các loại có sẵn tại địa phương như cỏ khô, rơm khô, cám gạo. Quy trình vỗ béo được áp dụng với phương thức nuôi nhốt trong chuồng trên nền đệm lót sinh học, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn tự do theo nhu cầu.
Quá trình áp dụng quy trình vỗ béo cho thấy, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%, trọng lượng cơ thể tăng bình quân 725g/con/ngày, khi xuất bán cho thu nhập cao hơn 10,6% so với bò không áp dụng quy trình vỗ béo.
Mô hình còn giúp các hộ chăn nuôi tiếp cận với kỹ thuật mới, thay đổi tập quán trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp tiết kiệm nước, nhân công, hạn chế dịch bệnh. Hơn nữa, đệm lót sinh học còn trở thành phân bón hữu cơ vi sinh, là nguồn nguyên liệu hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, trung tâm đã phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, hình thành vùng sản xuất chuyên canh tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Các mô hình triển khai đều đạt được mục tiêu đề ra. Điển hình như mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên quy mô 5 ha trên giống lúa DT39 Quế Lâm, 100% sử dụng phân bón hữu cơ, cho năng suất đạt hơn 60 tạ/ha, thấp hơn so với canh tác ngoài mô hình (đạt 61,5 tạ/ha), song giá bán lúa hữu cơ cao hơn 1.200 đồng/kg nên sau khi trừ các chi phí, sản xuất lúa hữu cơ vẫn thu được lợi nhuận 38 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất lúa thông thường 2,5 triệu đồng/ha.
Các mô hình chuyển đổi cây vườn tạp, cây lâm nghiệp, cây lúa, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn 20% so với đại trà...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Trung tâm đã triển khai các mô hình: Cải tạo đàn bò địa phương theo hướng nâng cao giá trị với quy mô 800 con bò cái được triển khai trên địa bàn các huyện: Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Lập Thạch và thành phố Phúc Yên; hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý môi trường với quy mô 7 triệu con gà, 100 nghìn con lợn, 1.500 con bò thịt, 1.000 con bò sữa cho hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gà tăng 13,04%, chăn nuôi lợn tăng 9,03%, chăn nuôi bò tăng 14,26% so với không sử dụng chế phẩm sinh học.
Nuôi cá ứng dụng công nghệ sông trong ao tại huyện Yên Lạc; ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh cao với quy mô 3ha (30.000 con) tại các huyện: Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô; nuôi cá lồng giá trị cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 1.500 m3 lồng (15 lồng, 37.500 con) tại 2 huyện: Lập Thạch, Sông Lô.
Trung tâm đã cấp phát 2.500 cuốn bản tin khuyến nông, 5.000 tờ rơi tuyên truyền diệt chuột tập trung, 5.000 tờ rơi hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổ chức 180 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về quy trình sản xuất, phòng trừ dịch bệnh trên một số cây trồng, vật nuôi.... giúp nông dân tiếp thu, áp dụng hiệu quả tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thời gian tới, trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện nhiều mô hình mới, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết đáp ứng nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn cho dân cư trong tỉnh, khách du lịch, thị trường Hà Nội.
Qua đó, hình thành và lan tỏa những phương thức sản xuất tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72520/dong-hanh-cung-nong-dan.html