Đồng hành cùng nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản
Từ năm 2017 đến nay, Hội Nông dân (HND) tỉnh tập trung hỗ trợ hội viên xây dựng các tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Hỗ trợ chuyên nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp
Từ năm 2017 đến nay, HND tỉnh đã xây dựng được 6 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu với 182 hộ tham gia. Các tổ hợp tác này góp phần nâng cao vai trò của tổ chức HND trong việc hỗ trợ hội viên áp dụng cách sản xuất mới, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị nông sản, giúp hội viên thêm gắn bó với tổ chức hội.
Còn hơn 1 tháng nữa, toàn bộ số ổi của Tổ nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ ổi an toàn thuộc HND xã Thanh Xuân (Thanh Hà) sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. HND tỉnh hỗ trợ thành lập Tổ liên kết này vào tháng 6.2020 gồm 20 thành viên, canh tác hơn 6 ha ổi. HND tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ lấy mẫu đất, mẫu nước để kiểm tra; giám sát thường xuyên quy trình chăm sóc ổi. Ban chủ nhiệm tổ liên kết cũng đã phối hợp vẽ bản đồ sản xuất để làm chỉ dẫn địa lý, chỉ chờ khi quả ổi cho thu hoạch và được kiểm nghiệm bảo đảm an toàn là bộ tem truy xuất nguồn gốc được sử dụng.
Đã thành thói quen, mỗi khi tới phun thuốc bảo vệ thực vật, ông Đào Văn Tám ở thôn Xuân Áng, thành viên tổ liên kết đều ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký đồng ruộng. Ông Tám cùng các thành viên trong tổ thường xuyên nhắc nhau vệ sinh đồng ruộng, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật để xử lý. Tham gia mô hình, các thành viên được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, thuốc trừ sâu sinh học, cách cải tạo đất… Các thành viên cùng nhau chọn giống, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phát hiện sâu bệnh… Ông Bùi Văn Bảng, thư ký tổ liên kết cho biết: “Tham gia mô hình, chúng tôi hiểu hơn quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa ra thị trường sản phẩm an toàn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm”.
Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại xã Lê Lợi (Gia Lộc) được thành lập năm 2018 với 21 hộ hội viên tham gia, vùng sản xuất rau an toàn rộng 50.000 m2. HND tỉnh, HND huyện Gia Lộc và HND xã Lê Lợi đã tích cực giới thiệu các đầu mối cung ứng cây giống rau su lơ chất lượng tốt, phân bón NPK trả chậm, phân bón sinh học cho các thành viên tham gia.
Định kỳ hằng tháng và trong các thời điểm thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp, cán bộ kỹ thuật HND tỉnh phối hợp với HND huyện và cơ sở tổ chức các buổi sinh hoạt, cung cấp thông tin kỹ thuật, tạo cơ hội để các thành viên mô hình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. HND tỉnh hỗ trợ về bao bì, nhãn sản phẩm rau an toàn gắn với tên từng chủ hộ nhằm khẳng định chất lượng rau và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, đổi công lao động…
Sau 2,5 tháng sản xuất rau an toàn, mỗi hộ thành viên thu lãi hơn 29 triệu đồng.
Nâng cao uy tín của tổ chức hội
Từ những mô hình hiệu quả, 3 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chỉ đạo xây dựng được 54 chi hội nông dân nghề nghiệp với 1.961 hội viên và 68 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 1.702 hội viên và 418 mô hình kinh tế tập thể. Các chi hội nghề nghiệp, mô hình liên kết thể hiện rõ vai trò của hội như: tạo nguồn vốn cho các thành viên từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các ngân hàng; tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật; xây dựng các câu lạc bộ; tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn giới thiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Theo bà Phạm Thị Thủy, Phó Chủ tịch HND tỉnh, thông qua việc thành lập tổ liên kết, HND các cấp giúp hội viên thay đổi nhận thức, thói quen trong canh tác, hợp tác sản xuất nông sản an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ những mô hình nhỏ hướng tới nhân rộng mô hình, xây dựng các vùng nông sản an toàn quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức hội, giúp hội viên thêm gắn bó với hội.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình hạn hẹp nên quy mô thực hiện chưa lớn. Nhiều hội viên chưa nhận thức đúng hiệu quả lớn từ mô hình mang lại nên còn e ngại, chưa tin tưởng tham gia mô hình. Việc vận động các doanh nghiệp cùng vào cuộc tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn. Một số mô hình vẫn phải phụ thuộc vào thương lái thu mua sản phẩm nên vẫn chưa đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Thời gian tới, HND tỉnh và các cấp hội tiếp tục lựa chọn, nhân rộng mô hình tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, HND tỉnh Hải Dương chỉ đạo, trực tiếp hỗ trợ xây dựng 8 mô hình tổ hợp tác liên kết và tiêu thụ nông sản tại các địa phương.