Đồng hành cùng nông dân trong thời kỳ hội nhập
Ngày 11/5/1994, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 248/QĐ-TC về việc thành lập hệ thống khuyến nông Sơn La. Trải qua 26 năm hoạt động, hệ thống khuyến nông Sơn La đã đồng hành cùng nông dân phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân trong tỉnh.
Cán bộ khuyến nông xã Chiềng Sại (Bắc Yên) hướng dẫn người dân bản Nà Dòn chăm sóc cây ăn quả.
Ảnh: Khải Hoàn
Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiệm vụ tham mưu cho Sở chuyển giao khoa học kỹ thuật lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp cho nông dân trong tỉnh. Hiện, Trung tâm có 18 cán bộ viên chức, 100% có trình độ đại học trở lên; cùng hệ thống khuyến nông cấp huyện, cấp xã trực thuộc Trung tâm Dịch vụ, kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố quản lý. Trong hoạt động, Trung tâm luôn bám sát các chủ trương phát triển nông nghiệp của tỉnh, tập trung triển khai các mô hình khuyến nông sản xuất theo quy trình VietGAP, an toàn, theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác trong chuỗi sản xuất đầu vào và đầu ra của sản phẩm, qua đó phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới. Trung tâm luôn chú trọng công tác thông tin truyền thông, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; giới thiệu các gương sản xuất điển hình, thông tin giá cả thị trường nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng bản tin khuyến nông Sơn La, bản tin sản xuất và thị trường, nông lịch Sơn La, nhà nông cần biết... với số lượng phát hành hàng trăm bản/năm. Cùng với đó, Trung tâm đã tham mưu cho ngành tham gia các Hội chợ nông nghiệp - thương mại vùng Tây Bắc, bình quân 200 gian hàng/hội chợ. Tại các hội chợ, đã xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương với các đối tác, doanh nghiệp, khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện cho trên 1.400 lượt nông dân tham gia Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp vùng Tây Bắc về phát triển bền vững trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp...
Để giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hằng năm, Trung tâm đã chỉ đạo khuyến nông cấp huyện, cấp xã tổ chức hơn 1.000 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, giúp nông dân nắm bắt các quy trình kỹ thuật tiên tiến theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững. Các nội dung được chuyển giao gồm: Lựa chọn giống mới vào sản xuất; thâm canh, xen canh tăng vụ; bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; kỹ thuật trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP; phương pháp ghép cải tạo các loại cây ăn quả, cải tạo vườn tạp; cải tạo đàn bò địa phương; nuôi lợn sinh sản hướng nạc có sử dụng đệm lót sinh học; phòng và kiểm soát dịch bệnh cho đàn vật nuôi; chăn nuôi gia cầm bền vững; kỹ thuật nuôi cá lồng, cá ao, cá hồ theo hướng VietGAP... Trung bình một năm, Trung tâm còn xây dựng hàng chục loại mô hình trình diễn khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân theo cách “cầm tay chỉ việc”. Các mô hình được xây dựng theo hướng tập trung phát triển sản xuất sản phẩm hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông sản hàng hóa trên thị trường, góp phần cùng các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hiện, toàn tỉnh có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý; 12 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; 3 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể.
Trong những năm qua, Trung tâm còn chú trọng thực hiện tốt Nghị quyết 258/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc; chương trình khuyến nông tái định cư thủy điện Sơn La; chương trình khuyến nông tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Theo đó, ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình khuyến nông Trung ương và các chương trình dự án khác để triển khai xây dựng các mô hình, chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi. Nâng cao chất lượng tư vấn cho hộ tái định cư nông nghiệp thực hiện phương án sản xuất theo hướng đẩy mạnh thâm canh. Giúp nông dân quản lý tốt đàn trâu, bò đực giống đã được bình tuyển và sử dụng phối giống trực tiếp; tổ chức chăn nuôi có chuồng trại, chủ động thức ăn, kiểm soát phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đặc biệt, các chương trình, dự án khuyến nông về cây ăn quả đã góp phần hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, như: Nhãn ở Sông Mã, Mai Sơn; cam, quýt, chanh, bưởi ở Sốp Cộp, Phù Yên, Thuận Châu, Quỳnh Nhai; mận, hồng, đào ở Mộc Châu, Vân Hồ; xoài, chuối ở Yên Châu... Riêng đối với cây nhãn, toàn tỉnh hiện có trên 15.000 ha, từ mô hình ghép cải tạo triển khai thí điểm 1 ha ở Sông Mã năm 2009, đến nay, hơn 70% diện tích là nhãn ghép, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với vườn nhãn chưa ghép. Các mô hình thâm canh lúa hữu cơ, rau an toàn trái vụ, cây ăn quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò, tưới ẩm cho cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi an toàn theo chuỗi giá trị và nhiều mô hình khuyến nông từ các chương trình, dự án khác... được triển khai hỗ trợ trên địa bàn tỉnh hàng năm, với hàng trăm lượt hộ nông dân được tham gia và hưởng lợi, từ đó thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương phát triển, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong 26 năm hoạt động, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực sự trở thành người bạn đồng hành cùng nông dân trong việc thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, giúp nông dân làm giàu trong thời kỳ hội nhập.