Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Xác định hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên (HV) phụ nữ vùng DTTS phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình 'ấm no, hạnh phúc'.
Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản của hội viên phụ nữ ở bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát) mang lại hiệu quả kinh tế cho hội viên.
Những năm trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình chị Vi Thị An, dân tộc Thái ở bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát) rất khó khăn. Được các cấp hội phụ nữ quan tâm, năm 2013, gia đình chị được vay 20 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Với số tiền này, gia đình chị mạnh dạn đầu tư mua 2 con bò cái sinh sản, đồng thời được tham gia các lớp kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng cỏ voi. Năm 2015, chị được vay thêm 15 triệu đồng từ tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản của bản, chị đầu tư mua thêm bò sinh sản, chăn nuôi thêm lợn, gà. Sau nhiều năm cần cù, chịu khó, đến nay gia đình chị đã có 16 con bò, chị đã trả hết số tiền vay ngân hàng và thoát nghèo, trở thành hộ khá.
Để giúp HV phụ nữ DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tập trung vận động phụ nữ DTTS đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cho 19.232 HV phụ nữ DTTS vay vốn phát triển kinh tế, với số tiền trên 2.221 tỷ đồng; phát động các phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; “Phụ nữ Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động xây, sửa “Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo”, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được triển khai rộng khắp ở các huyện miền núi. Phát động phong trào giúp 4.465 phụ nữ nghèo bằng nhiều hình thức, như: Ngày công, con giống, phân bón, cho vay vốn không lấy lãi, với số tiền trên 4 tỷ đồng; tiếp tục duy trì sinh hoạt có hiệu quả 154 câu lạc bộ “Phụ nữ giảm nghèo” với 7.387 thành viên. Kết quả, năm 2019 các cấp hội phụ nữ ở các huyện miền núi đã đăng ký và đã giúp 1.165 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo; xây, sửa 65 nhà “Mái ấm tình thương”, trị giá trên 2 tỷ đồng. Phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 327 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho gần 40.000 lượt HV phụ nữ tham gia; tổ chức dạy nghề cho 2.633 lượt HV; hỗ trợ, tư vấn đi xuất khẩu lao động cho 349 chị em. Xây dựng các mô hình liên kết kinh doanh, HTX, tổ hợp tác; thành lập mô hình trang trại tổng hợp, trang trại đồi vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, như: HTX “Sản xuất rau, củ, quả an toàn Quý Sơn” ở xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy); HTX “Bồ câu Ngọc Bích” ở xã Thạch Lập (Ngọc Lặc); trồng rau an toàn ở xã Thạch Định (Thạch Thành); tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản ở xã Yên Khương (Lang Chánh)... Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị vận động hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ các xã biên giới khó khăn.
Không chỉ giúp HV phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Hội LHPN tỉnh còn hướng các hoạt động về cơ sở, gắn việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tuyên truyền, vận động HV phụ nữ DTTS tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tích cực tham gia phát hiện, phòng, chống các loại tội phạm qua biên giới; phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em...