Đồng hành để trẻ thành công trong thời đại số
Như bất kỳ phụ huynh nào, tôi cũng thấy khá bất an khi muốn đồng hành cùng con trong thời đại số. Bởi lẽ ngoài những tiện ích của công nghệ, thì thời đại số cũng để lại rất nhiều vấn đề cần bàn khi tác động và hiện diện rất sâu trong đời sống của con trẻ. Từ bất an đến chủ động, tôi đã tìm đến những tri thức để có thể đồng hành cùng con. Cuốn 'Để trẻ thành công trong thời đại số' của Richard Culatta xứng đáng để bạn bỏ tiền, sở hữu, tìm hiểu và vận dụng những kiến thức trong đó.
Richard Culatta hiện là Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghệ giáo dục quốc tế. Trước đó, ông là cựu cố vấn cấp cao cho Bộ trưởng Giáo dục Mỹ.
Có một thực tế mà Richard Culatta đã chỉ ra rằng: Chúng ta là những người đang được giao nhiệm vụ nuôi dạy những đứa trẻ trong cả thế giới thực và thế giới số đồng thời. Thế giới số là một vũ trụ song song mà chúng ta truy cập thông qua máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh và thiết bị mang theo người. Chính chúng ta là những công dân kép di chuyển liên tục giữa hai thế giới này hàng trăm lần mỗi ngày, dù vô ý hay cố ý.
Làm sao để các bé có thể an toàn và khỏe mạnh trong cả hai thế giới ấy?
Nhất là khi chúng ta đang sống trong thế giới mà đầy rẫy những chiến dịch tung tin sai lệch, nạn bắt nạt trên mạng, tình trạng lạm dụng thông tin cá nhân. Rõ ràng là những cha mẹ thông thái, chúng ta không thể mơ hồ trong trách nhiệm của mình.
Cuốn sách nhằm trang bị những tri thức và kỹ năng để con cái chúng ta phát triển trong không gian số bằng cách hiểu thêm cách thức hoạt động của thế giới ảo và áp dụng một số chiến lược đơn giản để dạy con sử dụng công nghệ như một thế mạnh trong cuộc sống.
Rõ ràng là thế giới ảo đang mang lại những điều tốt đẹp và cũng ẩn chứa những điều tối tăm. Đúng là, chúng ta đều xuất phát từ một lỗ hổng cơ bản: Chúng ta chưa bao giờ dành thời gian để thiết lập các quy tắc cơ sở cho sự tham gia có ý nghĩa. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi cách chúng ta duy trì xã hội dân sự khi nó cũng dịch chuyển sang thế giới số.
Ngay từ bây giờ, mỗi bậc phụ huynh cần giúp con mình xây dựng các thuộc tính và chuẩn mực cho hành vi có trách nhiệm và lành mạnh trong không gian ảo với tư cách công dân số. Công dân số hiệu quả là những người biết cách tương tác một cách tôn trọng với các thành viên khác của thế giới ảo và sử dụng công nghệ để cải thiện cộng đồng số cũng như cộng đồng trong thế giới thực.
Theo tác giả, có 5 nhóm kỹ năng thực tế của công dân số mà mọi trẻ em cần học đó là cân bằng, hiểu biết, hòa nhập, tương tác và cảnh giác.
Để trở thành những người học hỏi suốt đời, có khả năng chu cấp cho gia đình và là các nhà lãnh đạo trong xã hội dân sự, con cái chúng ta phải học cách sử dụng công cụ một cách trách nhiệm từ khi còn nhỏ. Đáng chú ý đó là, gần 60% thanh thiếu niên Mỹ từng bị bắt nạt hoặc quấy rối trên mạng. Gây sốc hơn là gần 90% thanh thiếu niên đã chứng kiến bắt nạt trên mạng và hầu hết không làm gì.
Với những vấn nạn đã chỉ ra trong không gian mạng, tác giả nhận định: Chúng ta “đã trở thành một xã hội của những kẻ giả vờ được thúc đẩy bởi một đường cơ sở nhân tạo số”.
Richard Culatta đã vô cùng sắc sảo và tinh tế khi nhận ra rằng, những nền tảng nơi chúng ta tin tưởng gửi gắm những chi tiết cá nhân sâu kín nhất không thực sự quan tâm đến chúng ta một chút nào, hoặc thậm chí không nhận ra giá trị của những tương tác mà chúng cho phép chúng ta thực hiện. Thay vì coi công nghệ như một người bạn đáng tin cậy, có lương tâm, chúng ta có thể được phục vụ tốt hơn bằng cách coi công nghệ như một tấm gương cong.
Trong 5 kỹ năng mà tác giả nhấn mạnh khi trao truyền cho trẻ, tôi đặc biệt chú ý đến kỹ năng đầu tiên đó là cân bằng, nghĩa là sử dụng công nghệ theo các điều kiện của chúng ta. Trẻ cần được dạy để hiểu rằng, các công dân số cân bằng tham gia vào nhiều hoạt động trực tuyến khác nhau và đưa ra quyết định sáng suốt về cách ưu tiên thời gian của họ trong không gian ảo và không gian thực.
Một số câu nói cần thay đổi của phụ huynh đó là: Đừng nói “con nghiện điện thoại quá rồi đấy” mà hãy chuyển thành “hình như hôm nay con chưa tập thể dục”; hoặc “Mẹ thấy từ lúc đi học về con chưa dành thời gian nào cho cả nhà. Hãy làm điều đó một chút để chúng ta có thể cân bằng cách con sử dụng một ngày nhé”. Và cũng đừng nói “Con đừng ngồi máy tính cả ngày nữa, con chơi trò đó quá lâu rồi đấy” mà hãy chuyển thành “có vẻ trò này đang thu hút con quá mức, vì thực ra nó chủ yếu dựa trên sự lặp lại và may mắn thôi”. Hoặc "cả nhà muốn dành thời gian cho con. Sẽ thật tốt khi có một số tương tác trực tiếp với các bạn của con”.
Một trong những chiến lược dễ dàng nhất để dạy cân bằng số là giúp trẻ quen với việc thỉnh thoảng ngừng sử dụng thiết bị. Đó không phải là hình phạt, mà chính là hình thành một thói quen để trẻ dần chủ động biết gián đoạn khi sử dụng thiết bị, biết dừng đúng lúc và biết cân bằng với các hoạt động kết nối trực tiếp khác. Tiếp nữa là chúng ta hãy cùng trẻ biết đánh giá và quyết định ứng dụng nào sẽ được cài đặt trong thiết bị. Trẻ cũng phải học các kỹ năng để thuyết phục phụ huynh về tính cấp thiết, tiện ích và nhu cầu của bản thân khi sử dụng các ứng dụng đó. Cha mẹ cũng nên dành thời gian trong không gian số với con không phải để kiểm soát, mà chính là hướng dẫn chúng điều hướng các không gian đó một cách an toàn.
Bằng cách giảng dạy khái niệm cân bằng số, chúng ta sẽ giúp con em mình hiểu rằng không phải mọi hoạt động trực tuyến đều được tạo ra bình đẳng như nhau. Quan trọng nhất vẫn là các phụ huynh đang cung cấp cho con cái một bộ khung đánh giá và điều chỉnh các hoạt động số của riêng chúng với quyền tự chủ lớn hơn nhiều. Một bộ khung sẽ đi theo phục vụ chúng suốt đời.