Đồng hành giúp trẻ em sử dụng mạng an toàn
Việc lạm dụng quá mức các thiết bị thông minh truy cập vào các nền tảng mạng xã hội ở mọi lúc, mọi nơi đã tạo ra nhiều hệ lụy. Đáng chú ý, nhiều người trẻ phải đối mặt với những ảnh hưởng xấu về sức khỏe, thể chất và tinh thần. Vấn đề này đã được nhắc đến nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết, cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý bên cạnh các gia đình để giúp thế hệ trẻ sử dụng thiết bị thông minh đúng cách.
Thói quen gây nghiện
Đã thành thói quen, cứ đi học về là Nguyễn Thanh Mai (học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa) lại vứt cặp sách vào góc nhà, vơ lấy chiếc điện thoại, mải miết xem các chương trình trên đó. Em coi đây như thời gian giải trí sau giờ học ở trường. Tuy nhiên, việc giải trí này khiến bố mẹ bức xúc khi em không tự giác ấn định thời gian kết thúc mà thường mải mê cho đến khi người lớn yêu cầu. Chị Nguyễn Minh Hà, mẹ Thanh Mai, chia sẻ, khi có chiếc điện thoại trên tay, con chị luôn trì hoãn các công việc nhà, tỏ thái độ khó chịu, thậm chí chống đối khi được yêu cầu dừng điện thoại.
Tương tự, anh Đặng Mạnh Tuấn (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết, con gái anh học lớp 10 ở quận Thanh Xuân, đi học bằng xe buýt nên gia đình cho cháu dùng điện thoại thông minh để tiện liên hệ. “Tuy nhiên, tôi rất quan ngại về tần suất cháu sử dụng điện thoại, thường xuyên là khoảng 5-6 giờ mỗi ngày. Khi bị nhắc nhở thì cháu nói lập nhóm bạn trong lớp để trao đổi bài vở. Nhưng sự thật trên nhóm “chát” mà các cháu gửi cho nhau có nhiều thông tin không lành mạnh, giật gân đăng tải trên mạng xã hội”, anh Tuấn nói.
Thực tế đã ghi nhận, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng có xu hướng “nghiện” internet và mạng xã hội qua việc dành quá nhiều thời gian “lướt” trên điện thoại mà không đặt mối quan tâm vào một vấn đề nào nhất định. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, thời lượng dùng điện thoại chỉ nên khoảng 2 giờ/ngày, với việc ngắt quãng hợp lý. Nhưng theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình trẻ em dành tới 5-7 giờ/ngày truy cập internet, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Cần có biện pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu vì việc “cai nghiện” internet là rất khó khăn.
Trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em
Trước sự phát triển như vũ bão của thiết bị công nghệ số, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Để đạt được những mục tiêu chương trình đề ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Trẻ em đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức nhiều khóa tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã và các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Giáo dục...
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã và đang nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển và bởi tính năng không giới hạn về thời gian và không gian, khó nắm bắt, quản lý của không gian mạng, nên cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đơn vị và địa phương trong công tác quản lý. Trong đó, thực hiện các giải pháp về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng trẻ em về quyền trẻ em, tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng và kỹ năng tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng...
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng với sự tham gia của các thành viên là doanh nghiệp, tổ chức, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia công nghệ và an ninh mạng, cùng với việc tăng cường trang bị kỹ năng số an toàn cho trẻ em để các em tự bảo vệ mình thì cần truyền thông giúp cha mẹ, thầy cô giáo được trang bị các kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ, đồng hành định hướng cho trẻ em sử dụng mạng internet an toàn. Với cha mẹ, cần tự tìm hiểu, lựa chọn các website có nội dung phù hợp để định hướng cho các con. Sau đó cần thống nhất với con về danh sách các website mà con nên truy cập. Bên cạnh đó, thống nhất với các con về khung giờ sử dụng các thiết bị thông minh, chỉ sử dụng ở các khu vực sinh hoạt chung của gia đình như phòng khách, phòng làm việc của bố mẹ để tiện quan sát con, không đồng ý cho con sử dụng thiết bị điện tử tại các khu vực riêng, khó quan sát trong nhà như phòng ngủ. Điều này giúp tạo thói quen tốt cho con về việc dùng thiết bị điện tử thông minh thực sự lành mạnh, hiệu quả.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-hanh-giup-tre-em-su-dung-mang-an-toan-663038.html