Đồng hành, hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất
Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại khá nặng nề trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ nông dân bị thiệt hại về tài sản, lúa, hoa màu. Cùng với sự chủ động khắc phục hậu quả của bà con, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ hội viên khôi phục và ổn định sản xuất.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có gần 9.000ha lúa, trên 800ha hoa màu, trên 1.000 cây trồng khác bị thiệt hại; trên 380.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; trên 560ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Trên địa bàn TP. Thái Nguyên, ngay sau khi nước lũ rút, bà con nông dân đã khẩn trương tiến hành vệ sinh đồng ruộng, khôi phục sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hợp, ở tổ 8, phường Quang Vinh, chia sẻ: Nhà tôi có 4 sào lúa, 1 sào rau màu đang chuẩn bị được thu hoạch bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Gia đình đang thu dọn, làm đất để trồng ngô nếp, rau vụ đông, sẽ cho thu hoạch vào dịp gần Tết.
Phường Quang Vinh có 50% số hộ làm nông nghiệp, với 77ha lúa, 29ha ngô và rau màu. Hiện nay, bà con nông dân đang khẩn trương thu dọn lúa bị hỏng để trồng ngô, rau màu. Anh Lê Đức Thuận, Chủ tịch HND phường, cho biết: Trước những khó khăn của bà con trong việc khôi phục sản xuất, chúng tôi đã kiến nghị với các ngành, đơn vị chức năng xem xét, hỗ trợ giống ngô, rau màu, cho vay vốn hoặc giãn nợ cho bà con; đồng thời phối hợp với cán bộ nông nghiệp tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ về tình trạng thiệt hại do mưa lũ để sớm triển khai việc hỗ trợ cho nhân dân theo quy định. Hiện nay, chúng tôi đã khảo sát, lập danh sách được 200 hộ dân đăng ký nhận giống ngô hỗ trợ; 67 hộ đang hoàn thành thủ tục vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, dự kiến sẽ được giải ngân trong tuần tới.
Còn với gia đình bà Phùng Thị Minh Hồng, ở tổ 4, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), trận lũ lụt vừa qua đã khiến 5 sào hoa đào (với 450 cây đào cổ, đào thế) bị chết, ước tính thiệt hại gần 500 triệu đồng. Bà Hồng chia sẻ: Gia đình đang tập trung cải tạo đất, phá bỏ những gốc đào chết, rắc vôi bột khử trùng, sau đó sẽ mua cây đào giống và mắt ghép, đến đầu tháng 11 tới bắt đầu trồng, hy vọng sang năm sẽ có đào bán dịp Tết.
Tại xã Phú Tiến - một trong những địa phương có nhiều điểm bị sạt lở đất đá trên địa bàn huyện Định Hóa, bà con nông dân cũng đang nỗ lực khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất. Đến thăm cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản của gia đình ông Vũ Đức Hiền, ở xóm Lương Tiến, chúng tôi thấy vẫn còn ngổn ngang đất đá đang vùi lấp một số máy móc và nhà kho.
Ông Vũ Đức Hiền cho biết: Lần sạt lở này nặng hơn những lần trước nhiều, cơ sở sản xuất của gia đình tôi có 600m2 nhà xưởng, hơn một nửa máy móc bị vùi lấp, hư hỏng. Tuy vậy, dù khó khăn thế nào thì chúng tôi cũng quyết tâm khôi phục sản xuất, bởi đã gây dựng, phát triển cơ sở này từ hơn chục năm nay. Hơn nữa, gia đình nỗ lực khôi phục sản xuất không chỉ vì mình mà còn vì hơn chục lao động địa phương đang làm việc tại đây; đồng thời tiếp tục tiêu thụ gỗ rừng sản xuất cho bà con trong vùng. Hiện nay, chúng tôi vừa khắc phục hậu quả sạt lở vừa sản xuất, chế biến gỗ bóc, ván ép với công suất từ 20-30% so với bình thường.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, một số dự án của hội viên nông dân được vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân cũng bị thiệt hại, như: Dự án trồng, chăm sóc cây chuối tiêu hồng tại thị trấn Quân Chu (Đại Từ) có 7/14 hộ tham gia bị ảnh hưởng, với gần 2.000 cây chuối bị gãy đổ, không còn khả năng phục hồi; Dự án sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại phường Đông Cao (TP. Phổ Yên) có 10/13 hộ tham gia bị mưa bão làm gãy đổ nhà lưới với diện tích trên 8.000m2, 13/13 hộ bị úng ngập làm hỏng rau, với diện tích 1,2ha…
Ông Ngô Thế Hoàn, Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Để chia sẻ khó khăn với các hộ hội viên tham gia dự án được vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, HND tỉnh đã gửi văn bản kiến nghị, đề xuất Trung ương HND Việt Nam có chính sách hỗ trợ, nhất là về việc miễn, giảm lãi suất cho vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án để các hộ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất.
Sau mưa lũ là thời điểm dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi nên các cấp HND cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại để việc chăn nuôi, tái đàn bảo đảm an toàn.