Đồng hành vì sự phát triển
Từ TP Nam Định, xuôi theo QL 21 chừng hơn 20 km sẽ tới cầu Lạc Quần bắc qua sông Ninh Cơ. Đứng trên cầu, nhìn về phía Nam sẽ thấy một vùng nông thôn trù phú, cứ vài km2 lại có một tháp chuông nhà thờ cao vút. Đó là địa bàn huyện Xuân Trường, nơi Tòa Giám mục Giáo phận Bùi Chu đứng chân…
Lịch sử ghi nhận, huyện Xuân Trường cùng với các huyện Hải Hậu, Trực Ninh ở tỉnh Nam Định là ba nơi đầu tiên đạo Công giáo truyền vào Việt Nam. Huyện hiện có tổng dân số trên 19 vạn người, trong đó đồng bào Công giáo chiếm khoảng 30%. Tòa Giám mục Giáo phận Bùi Chu (khoảng 6 vạn giáo dân thuộc 78 xứ họ đạo ở 6 huyện phía nam của tỉnh Nam Định và một phần ở TP Nam Định) tọa lạc tại địa bàn xã Xuân Ngọc.
Theo bà Lê Thị Tố Nga - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Xuân Trường, trong suốt quá trình lịch sử, người Công giáo ở huyện Xuân Trường có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, truyền thống đó đã và đang được đồng bào Công giáo phát huy mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần “Kính Chúa yêu nước”, đồng bào Công giáo trong huyện luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Ngoài duy trì, phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp, người Công giáo ở Xuân Trường luôn năng động, sáng tạo trong mở mang, phát triển các ngành nghề thủ công, công nghiệp, dịch vụ…
Có đến xứ đạo Kiên Lao (thuộc các xã Xuân Tiến, Xuân Kiên, thị trấn Xuân Trường) mới thấy xứ đạo này sầm uất ra sao, người dân ở đây tài hoa đến thế nào. Xứ đạo có khoảng 12.000 giáo dân, nơi đây có Đền Thánh Kiên Lao nổi tiếng với quy mô đồ sộ, kiến trúc tinh xảo cùng vẻ nguy nga, tráng lệ. Hàng trăm năm trước, người dân đã có nghề đúc, chế tác đồ đồng; chế tác đồ gỗ mỹ nghệ; sản xuất đồ cơ khí.
Hiện tại, các nghề truyền thống đều được người Kiên Lao duy trì, phát triển. Không chỉ làm ra những sản phẩm gia dụng thông thường như dao, kéo, các loại nông cụ như lưỡi cuốc, lưỡi xẻng, người thợ Kiên Lao còn tự thiết kế, sản xuất ra nhiều loại máy móc công cụ đòi hỏi kỹ thuật cao như máy tuốt lúa, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy trộn đảo bê-tông, lò đốt rác thải. Người Kiên Lao tự hào các sản phẩm máy công cụ do mình làm ra đã và đang góp phần hỗ trợ đắc lực cho đời sống nông nghiệp, nông thôn không chỉ ở Nam Định mà còn cho nhiều địa phương khác trên cả nước.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới đang được cả nước triển khai, mở ra cho nghề cơ khí ở Kiên Lao nhiều cơ hội, triển vọng phát triển. Hiện tại, ở xứ đạo Kiên Lao có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và lân cận. Cách đây gần 30 năm, tại đây đã hình thành một cụm công nghiệp làng nghề (Cụm công nghiệp Xuân Tiến), là cụm công nghiệp làng nghề nông thôn đầu tiên được xây dựng tại Nam Định. Chủ các doanh nghiệp, công ty, hộ sản xuất ở đây hầu hết là giáo dân xứ Kiên Lao.
Không chỉ ở giáo xứ Kiên Lao, ở nhiều giáo xứ khác trong huyện, người Công giáo cũng rất năng động mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế. Rất nhiều gia đình Công giáo ở đây có xe khách, xe tải kinh doanh vận tải tuyến Bắc-Nam, đi Hà Nội, Hải Phòng hoặc có cơ sở đóng, sửa chữa tàu thủy. Ở xứ Thánh Mẫu (xã Thọ Nghiệp), vợ chồng ông bà Hồng Việt nổi danh là doanh nghiệp chuyên về giầy da, xây dựng; ở xứ Phú Nhai, ông Đinh Văn Công nổi tiếng với xưởng thêu ren mỹ nghệ. Ở giáo họ Bắc Tỉnh, xã Xuân Bắc, bà con giáo dân duy trì, phát triển nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên đều có điểm chung ngoài làm giàu chính đáng còn tạo việc làm, thu nhập cho rất đông người lao động ở trong và ngoài địa phương.
Đi liền với các hoạt động phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo ở huyện Xuân Trường được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ ghi nhận có nhiều hoạt động thiết thực thông qua nhiều phong trào, mô hình như “Xây dựng xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Đẹp xóm làng, đẹp nhà cửa, đẹp xứ họ, đẹp ruộng đồng”, “Tâm sáng, hướng thiện”…
Năm 2017, huyện Xuân Trường đã được công nhận đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới” với 15/20 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Xuân Hòa, Xuân Kiên, Xuân Thượng). Với thành quả trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ huyện Xuân Trường ghi nhận đóng góp của đồng bào Công giáo ở địa phương là rất to lớn. Có một hình ảnh đẹp ở huyện Xuân Trường đó là từ nhiều năm qua, tiếng kèn đồng, tiếng trống, tiếng trắc đã vượt khỏi khuôn viên các nhà thờ Công giáo, thường xuyên vang lên, hòa quyện trong các sự kiện, sinh hoạt cộng đồng lương giáo ở địa phương, thể hiện sinh động tinh thần hòa hợp, đoàn kết, cùng phát triển.
Chăm chỉ, năng động, tài hoa, sáng tạo, hầu hết người dân các xứ họ đạo ở huyện Xuân Trường đều có đời sống kinh tế khá giả. Theo thống kê, toàn huyện có 4.355 hộ gia đình Công giáo (43%) thuộc diện hộ giàu, 5.590 hộ (55,1%) thuộc diện hộ khá. Toàn huyện hiện chỉ còn khoảng 2% hộ nghèo, cận nghèo.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dong-hanh-vi-su-phat-trien-5723282.html