Đồng hành với doanh nghiệp trong tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng

Giám sát việc 'triển khai xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp (CCN) giai đoạn từ năm 2017 - 2023' trên địa bàn huyện Lạc Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị, địa phương và các sở, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong công tác tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng; đồng thời, chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, chú trọng thực hiện các chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Trên địa bàn huyện Lạc Thủy có 7 CCN được đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích 398,12ha; 5 CCN được đưa vào quy hoạch phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với tổng diện tích được quy hoạch là 282,25ha. Đến nay, 4 CNN đã có quyết định thành lập, gồm: CNN Thanh Nông; Phú Thành II; Đồng Tâm; Môi trường công nghệ cao Hòa Bình. Cùng với đó là Khu công nghiệp Thanh Hà có tổng diện tích khoảng 282ha, tổng mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng.

Thời gian qua, huyện Lạc Thủy luôn chú trọng thu hút đầu tư tại các CCN trên địa bàn, tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm các nghị quyết, chỉ thị tăng cường thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận các tổ chức tín dụng, các thông tin kinh tế xã hội liên quan, nhằm tạo niềm tin để thu hút thêm nhà đầu tư mới, cũng như củng cố niềm tin của nhà đầu tư hiện hữu. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh.

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: Trọng Đạt

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: Trọng Đạt

Ngoài ra, huyện cũng rà soát các cơ chế, chính sách ưu đãi (tiền thuế, thuê đất, lao động,...) nhằm hướng dẫn, khuyến khích đầu tư vào các CCN, đặc biệt các dự án có quy mô lớn, dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tiếp tục rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền các quy định về các quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng rõ ràng, chính xác, thông thoáng, tăng cường công tác đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại làm việc chuyên nghiệp và thân thiện, tạo môi trường hợp tác cởi mở với nhà đầu tư. Hiện nay, tổng số nhà đầu tư thứ cấp tại các CCN trên địa bàn là 19 nhà đầu tư thứ cấp với tổng diện tích thực hiện dự án là 54,28ha với tổng mức đăng ký đầu tư là 1.447,57 tỷ đồng với tỷ lệ lấp đầy đạt 39,7%.

Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư

Theo đại diện UBND huyện, trước đây, Lạc Thủy được đánh giá là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, một số CNN chịu sự quản lý của quy chế vùng an toàn khu (CT229) nên không thu hút được các nhà đầu tư có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, để thu hút nhà đầu tư hạ tầng là rất khó khăn, trong khi đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các CCN còn ít và hạn chế, do đó hạ tầng trong các cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.

Mặc dù huyện đã nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển của các khu, CCN nhưng chưa bố trí được nguồn lực để đồng bộ hạ tầng, tạo quỹ đất sạch các khu, CCN, đặc biệt là các CCN do nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường nên công tác thu hút đầu tư tại một số CNN gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chưa có nguồn kinh phí đầu tư khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi các cụm công nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên thay đổi hoặc chưa phù hợp với thực tế dẫn đến việc triển khai giải phóng mặt bằng tại các CCN nói riêng, cũng như các dự án trên toàn huyện nói chung còn nhiều vướng mắc dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai dự án…

Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình hoạt động của các dự án đang triển khai trên địa bàn. Ảnh: Hải Dương

Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình hoạt động của các dự án đang triển khai trên địa bàn. Ảnh: Hải Dương

Do đó, UBND huyện Lạc Thủy đã kiến nghị Đoàn giám sát xem xét, đề xuất với các cấp có thẩm quyền hướng dẫn địa phương thực hiện chuyển giao các CCN được đầu tư từ ngân sách cho doanh nghiệp quản lý, khai thác; xây dựng quy định về một số nội dung phát triển CNN. Cùng với đó, UBND tỉnh cần có phương án đối với các đơn vị được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; bố trí nguồn lực tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp…

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà huyện Lạc Thủy đang gặp phải trong triển khai xây dựng, quản lý, khai thác các khu, CCN giai đoạn 2017 - 2023, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề nghị, thời gian tới, huyện cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành trong giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp đâu tư trên địa bàn. Cùng với đó, chỉ đạo Liên đoàn Lao động huyện rà soát, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu, CNN thành lập tổ chức công đoàn.

HẢI DƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/dong-hanh-voi-doanh-nghiep-trong-tai-dinh-cu-den-bu-giai-phong-mat-bang-i385865/