Đồng hành với hội viên trong phát triển kinh tế

Những năm gần đây, Hội Nông dân thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh luôn chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ, vận động hội viên mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

 Phát triển diện tích cây hồ tiêu ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: M.H

Phát triển diện tích cây hồ tiêu ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: M.H

Chủ tịch Hội Nông dân (HND) thị trấn Cửa Tùng Lê Anh Dũng cho biết: “Ngày 17/12/2019, thực hiện Nghị quyết 832 của Ban Thường vụ Quốc hội, sáp nhập xã Vĩnh Tân vào thị trấn Cửa Tùng, đến nay dân số toàn thị trấn gần 9.300 người/13 khu phố. Đối với HND sau khi sáp nhập có 13 chi hội với 1.380 hội viên. Ngay sau khi sáp nhập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ HND huyện, Ban Thường vụ Đảng ủy, HND thị trấn đã kiện toàn đội ngũ cán bộ, chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể nhằm tiếp tục hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương”.

Ông Dũng cho biết thêm, một trong những khó khăn lớn nhất mà hội viên nông dân gặp phải khi phát triển kinh tế là nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, việc xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân được hội đặc biệt coi trọng. Trong nửa nhiệm kỳ qua (2018 - 2023), từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, đã giải quyết cho 80 hộ hội viên vay phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 250 triệu đồng. Tín chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện số tiền trên 2 tỉ đồng. Hội cũng đã thành lập được 7 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại 13 chi hội với dư nợ 11 tỉ đồng cho 260 lượt vay.

Nhiều tổ vay vốn đã phát huy hiệu quả nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó nhiều hộ có thu nhập hàng tỉ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động có thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Trong 3 năm qua, HND thị trấn còn phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt giải ngân trên 4 tỉ đồng cho 60 lượt hội viên vay. Hội còn tiến hành khảo sát phân loại hộ nghèo, đề xuất với cấp ủy chính quyền cách giúp đỡ; vận động các hộ giàu hỗ trợ hộ nghèo; giao cho chi hội giúp hộ nghèo về kinh nghiệm sản xuất, vốn, vật tư các loại.

Điều đáng ghi nhận là mỗi hội viên nông dân thị trấn Cửa Tùng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm để làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương. Để phát triển nghề đánh bắt và nâng cao sản lượng khai thác thủy, hải sản, hội viên nông dân mạnh dạn mua sắm, đầu tư ngư lưới cụ hiện đại. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt thủy, hải sản ngày càng tăng.

Toàn thị trấn hiện có 355 tàu cá lớn nhỏ, trong đó có 22 chiếc đánh bắt xa bờ với công suất trên 90 CV, 105 chiếc có công suất dưới 90 CV và hàng trăm thuyền thúng các loại. Tổng sản lượng khai thác thủy, hải sản của thị trấn Cửa Tùng ước đạt 900 tấn/năm. Hội viên nông dân thị trấn Cửa Tùng đã phát huy lợi thế khu hậu cần nghề cá, mạnh dạn mở các loại hình kinh doanh như hấp sấy cá, chế biến đông lạnh.

Đến nay, thị trấn Cửa Tùng đã có trên 10 cơ sở chế biến thủy sản, 20 kho đông lạnh. Riêng Doanh nghiệp Ngọc Tuấn đã đầu tư xây dựng khu sản xuất tinh bột cá, thu mua hải sản xuất khẩu với số vốn gần 25 tỉ đồng và nhà máy chả cá hàng chục tỉ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với thu nhập khá. Ngoài ra còn có các thương hiệu nước mắm do hội viên nông dân làm chủ có uy tín từ nhiều năm nay như: Huỳnh Kế, Tùng Vân, Bà Xiêm. Thu nhập bình quân của lao động biển đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm.

Cùng với phát triển kinh tế biển, HND thị trấn Cửa Tùng chú trọng động viên hội viên phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ vào lợi thế đất đỏ ba dan, hội viên nông dân đã trồng cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu 90,5 ha, cao su 120 ha. Diện tích đất trồng lúa, các loại cây nông nghiệp khác cơ bản ổn định, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Đàn gia súc, gia cầm có từ 18.000 đến 21.000 con. Thị trấn cũng có 70 mô hình trang trại VAC.

Trong quá trình tìm hiểu mô hình nuôi lợn theo hình thức công nghiệp của hộ gia đình anh Phùng Xuân Hoạt, ở Khu phố An Du Nam 2, chúng tôi được biết, trên diện tích 1ha, anh Hoạt đã đầu tư 10 tỉ đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Với quy mô 130 lợn nái, 900 lợn thịt, mô hình mang lại doanh thu cho gia đình anh Hoạt hơn 2,5 tỉ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi được từ 700 - 800 triệu đồng. Cùng với anh Hoạt, trong lĩnh vực này có nhiều nông dân mạnh dạn, dám nghĩ dám làm như các ông Ngô Văn Khách, Hoàng Đức Khanh... với mô hình trồng cây hồ tiêu và chăn nuôi trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá sôi động. Phát huy thế mạnh khu hậu cần nghề cá, nông dân tập trung đầu tư sản xuất chế biến và phục vụ sản xuất tại chỗ. Các hoạt động cơ khí, hàn, mộc, nề, vật liệu xây dựng cũng phát triển mạnh, tạo thu nhập ổn định và việc làm cho hàng trăm lao động. Tiêu biểu như mô hình đóng thuyền composite của gia đình chị Lê Thị Liên, Khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng. Với những ưu điểm vượt trội của chất liệu composite, mỗi năm cơ sở sản xuất của gia đình chị đóng trên 50 chiếc thuyền lớn nhỏ, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 6 lao động với mức tiền công 400 ngàn đồng/ngày.

Đến nay, HND thị trấn Cửa Tùng có 246 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, cấp huyện 6 hộ, cấp tỉnh 8 hộ và cấp trung ương 6 hộ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,2%. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, hội viên, nông dân thị trấn Cửa Tùng tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương, nhất là góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong 2 năm 2019 - 2020 nông dân thị trấn Cửa Tùng đã tự nguyện đóng góp trên 250 triệu đồng, hàng nghìn ngày công để góp phần xây dựng các công trình hạ tầng đô thị, đường giao thông, nhà văn hóa, đường nội đồng.

Về nhiệm vụ của hội thời gian tới, ông Lê Anh Dũng cho biết sẽ nâng cao hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên. Tiếp tục tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế đô thị và nâng cao đời sống nông dân trên cơ sở phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Mỹ Hằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=161208&title=dong-hanh-voi-hoi-vien-trong-phat-trien-kinh-te