Đồng hành với người nghèo

PTĐT - Theo chân cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Tân Sơn đến thăm gia đình anh chị Hà Văn Lực, Hà Thị Lan, khu Dùng 2, xã Thạch Kiệt-một gia đình sử dụng có hiệu quả...

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn hướng dẫn người dân làm các thủ tục vay vốn.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn hướng dẫn người dân làm các thủ tục vay vốn.

PTĐT - Theo chân cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Tân Sơn đến thăm gia đình anh chị Hà Văn Lực, Hà Thị Lan, khu Dùng 2, xã Thạch Kiệt-một gia đình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để vươn lên thoát nghèo. Ngôi nhà khang trang vừa được xây mới nằm dưới chân đồi là thành quả cho những nỗ lực của hai vợ chồng anh chị Lực - Lan. Nhìn nụ cười của họ, tôi cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui khi cuộc sống đã bớt đi phần khó khăn, vất vả.
Chị Hà Thị Lan chia sẻ với chúng tôi hành trình thoát nghèo của gia đình trong hơn 10 năm qua: “Hai vợ chồng lấy nhau chỉ với hai bàn tay trắng, bố mẹ hai bên cũng khó khăn vất vả. Năm 2007, hai vợ chồng quyết định vay 15 triệu đồng để trồng rừng. Nhưng nếu chỉ trông vào cây lâm nghiệp thì không ổn nên phải xoay qua chăn nuôi để “lấy ngắn, nuôi dài”. Trả nợ cũ, vay vốn mới để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và trâu. Cứ tích cóp từng năm, khi thấy cuộc sống ổn định hai vợ chồng quyết định xin ra khỏi hộ nghèo”. Từ hai bàn tay trắng giờ vợ chồng anh chị Lực - Lan có trong tay hơn 1ha trồng keo, chuồng duy trì hơn chục lợn thịt, ao cá và chăn nuôi thêm gà, vịt. Nhà cửa có điều kiện xây kiên cố, cuộc sống đã ổn định để lo con cái học hành.Những khách hàng như anh chị Lực - Lan đã tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ ngân hàng, các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn bám sát địa bàn, kịp thời đề xuất những trường hợp có nhu cầu để được hỗ trợ. Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, lãi tồn… qua đó góp phần nâng cao hiệu quả triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện.

Từ nguồn vốn vay gia đình chị Hà Thị Lan, khu Dùng 2, xã Thạch Kiệt có điều kiện để chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Từ nguồn vốn vay gia đình chị Hà Thị Lan, khu Dùng 2, xã Thạch Kiệt có điều kiện để chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Đồng chí Tăng Tiến Sỹ- Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn cho biết: “Năm 2020, tổng doanh số cho vay đạt gần 110.000 triệu đồng, với gần 3.000 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó có trên 1.500 khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị ủy thác nắm bắt tình hình các hộ dân nhằm thực hiện các giải pháp hỗ trợ giúp người dân có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Bên cạnh số lượng khách hàng được vay vốn để sản xuất kinh doanh, trong năm 2020, đã có trên 470 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH; gần 80 lao động là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, gần 80 hộ nghèo được vay hỗ trợ xây dựng nhà… Đối với nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện (1.050 triệu đồng) đã tạo điều kiện cho 28 khách hàng được vay vốn để sản xuất kinh doanh, đến thời điểm này đều đã xây dựng mô hình có hiệu quả.

Hà An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202105/dong-hanh-voi-nguoi-ngheo-176696