Đồng hành với nông dân nâng cao trình độ sản xuất

Qua 30 năm hoạt động, ứng với mỗi giai đoạn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đầu tư chuyên sâu cho các lĩnh vực nông nghiệp theo định hướng và chủ trương phát triển của tỉnh. Giai đoạn từ năm 1994 - 2003, ưu tiên phát triển lĩnh vực trồng trọt; từ năm 2004 -2013, phát triển đồng đều cả chăn nuôi và thủy sản; từ năm 2014 đến nay ưu tiên phát triển lĩnh vực chăn nuôi. Công tác khuyến nông luôn đồng hành với nông dân trong quá trình sản xuất.

Mô hình chuyển giao kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản - Ảnh: T.C.L

Mô hình chuyển giao kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản - Ảnh: T.C.L

Hoạt động khuyến nông trồng trọt đã bám sát các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh nhằm mục tiêu ổn định và tiến tới bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đa dạng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Khuyến nông trồng trọt chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, đảm bảo hiệu quả cả 3 mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Đến nay đã chuyển giao 79 loại mô hình khuyến nông trồng trọt về giống cây trồng, quy trình kỹ thuật và ứng dụng các công cụ sản xuất. Trung tâm đã nghiên cứu và chuyển giao nhiều giống cây trồng năng suất cao, sản phẩm có chất lượng tốt như: giống lúa, ngô, đậu đỗ, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả...

Nhờ đó, năng suất lúa tăng từ 18,46 tạ/ha năm 1990 lên 58 tạ/ha năm 2022; năng suất các loại cây trồng khác cũng tăng lên gấp 2 - 3 lần so với năm 1990. Cùng với việc ứng dụng giống mới, trung tâm cũng chuyển giao các tiến bộ KHKT trong canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho kết quả rõ nét như: mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa, công cụ sạ hàng, sạ cụm, mạ khay, máy cấy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mô hình sản xuất thông minh phù hợp với biến đổi khí hậu...

Trên cơ sở quy hoạch chăn nuôi và định hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung theo hướng trang trại, gia trại, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao các tiến bộ KHKT phát triển các loại con nuôi chủ lực của tỉnh như: bò, lợn, gia cầm.

Đối với chăn nuôi bò, các mô hình khuyến nông giúp nông dân cải tạo thành công đàn bò có tầm vóc lớn, tỉ lệ thịt xẻ cao hơn trước. Đến nay, tỉ lệ đàn bò lai zebu đạt 69% trong tổng đàn bò của tỉnh.

Trong chăn nuôi lợn, việc nhập nuôi các giống lợn ngoại, lợn lai và chuyển giao quy trình công nghệ nuôi mới gắn với các biện pháp an toàn sinh học đã giúp cải thiện năng suất, chất lượng thịt. Chăn nuôi gia cầm với các hình thức liên kết phát triển khá tốt, mô hình chăn nuôi gia cầm theo quy trình VietGap, an toàn sinh học và gắn kết tiêu thụ sản phẩm tạo thu nhập đáng kể cho nông dân.

Lĩnh vực khuyến lâm được thực hiện từnăm 1997 với 47 mô hình đã liên tục cải tiến để tăng hiệu suất sản xuất.

Các mô hình tập trung vào vùng núi, gò đồi và vùng cát ven biển. Sự chuyển giao kỹ thuật đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành lâm nghiệp. Đặc biệt, việc trồng rừng thâm canh keo lai không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp tăng độ che phủ đất. Các mô hình nông lâm kết hợp, vườn rừng và trang trại rừng đã tạo ra hệ sinh thái bền vững, giữ đất, giữ nước, cải tạo và bảo vệ môi trường.

Hoạt động khuyến ngư bắt đầu thực hiện từ năm 2002, với 54 loại mô hình. Các chương trình, dự án khuyến ngư đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh, ngành, chuyển giao thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, 3 giai đoạn theo công nghệ biofloc, sử dụng chế phẩm sinh học, thời gian nuôi rút ngắn, tôm phát triển nhanh, không sử dụng hóa chất và kháng sinh, hạn chế dịch bệnh, chi phí sản xuất thấp, cho năng suất cao, tôm thẻ đạt từ 23-28 tấn/ha, tôm sú đạt từ 3,5 - 4,3 tấn/ha.

Mô hình nuôi tôm kết hợp với cá và cua trong ao nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, duy trì tính ổn định của vùng nuôi, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, cho hiệu quả cao. Ngoài ra, trung tâm cũng triển khai các mô hình nuôi thâm canh cá dìa, cá kình, cá leo bước đầu phù hợp với điều kiện thời tiết của địa bàn và mang lại giá trị kinh tế khá.

Từ những thành công của công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình nuôi trồng thủy sản, diện tích và sản lượng nuôi trồng ngày càng tăng cao cả về quy mô và chất lượng. Năm 2000 diện tích nuôi trồng thủy sản 688 ha, sản lượng 744,3 tấn, đến năm 2022 diện tích 3.605,1 ha, sản lượng 9.017,3 tấn.

Chương trình khuyến ngư về khai thác, bảo quản, chế biến thủy sản đã cải tiến ngư lưới cụ, cơ giới hóa nghề cá, sử dụng các phương pháp bảo quản, cải hoán hầm tàu...

Một số mô hình trọng điểm đã xây dựng và chuyển giao thành công như: mô hình chế biến nước mắm bằng phương pháp phơi kín, ứng dụng máy dò ngang, công nghệ CPF trong bao quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ, rê bùng nhùng, rê hỗn hợp...

Các mô hình đã góp phần thay đổi phương thức khai thác và chế biến thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân mạnh dạn đầu tư, vươn khơi bám biển, tăng sản lượng khai thác từ 11.999,3 tấn năm 2000 lên 26.848,7 tấn năm 2022.

Sau 30 năm hoạt động, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân. Khuyến nông thực sự là người bạn gần gũi, tin cậy của nhà nông, đồng hành với nông dân trong sản xuất và đời sống, giúp nông dân nâng cao trình độ dân trí, trình độ kỹ thuật và kỹ năng tổ chức, quản lý sản xuất để tăng thu nhập, tạo cuộc sống vật chất ngày càng tốt hơn.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/dong-hanh-voi-nong-dan-nang-cao-trinh-do-san-xuat/179117.htm