Đồng hành với sản xuất nông nghiệp hiện đại
Sau 4 năm miệt mài đèn sách ở Trường Đại học Nông Lâm TP HCM chuyên ngành Công nghệ sinh học, nữ kỹ sư trẻ Nguyễn Phượng Hằng (SN 1992) tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Thay vì đầu quân cho các doanh nghiệp lớn, cô kỹ sư trẻ này lại lựa chọn học việc tại phòng nuôi cấy mô tại một doanh nghiệp nhỏ ở tỉnh Đồng Nai để có nhiều cơ hội để cọ sát với thực tiễn. Chính môi trường này giúp Phượng Hằng nhận ra, muốn nông nghiệp phát triển thì khâu cây giống và ứng dụng khoa học công nghệ sẽ là những đòn bẩy quan trọng.
Nữ kỹ sư trẻ Nguyễn Phượng Hằng
Từ ý tưởng đó, giữa năm 2019, cô kỹ sư trẻ từ bỏ công việc với mức thu nhập ổn định quyết định trở về quê nhà xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò để khởi nghiệp với mô hình sản xuất và cung cấp cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Bắt đầu con đường khởi nghiệp, Phượng Hằng cũng gặp không ít khó khăn và ánh mắt dò xét, nghi ngờ của nhiều người. Bởi tại quê hương, phương pháp sản xuất nông nghiệp hiện đại vẫn còn xa lạ. Tuy nhiên, với quyết tâm và sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình, Phượng Hằng đã đầu tư trên 200 triệu đồng để mua sắm thiết bị, máy móc cho phòng thí nghiệm để hiện thực hóa ước mơ nông nghiệp của mình.
Chia sẻ về lý do trở về quê hương lập nghiệp, chị Nguyễn Phượng Hằng - chủ Cơ sở cây giống cấy mô HF, xã Long Hưng B tâm sự: “Đồng Tháp có ưu thế trong phát triển nông nghiệp với những mặt hàng nông sản, đặc sản chất lượng được thị trường ưa chuộng. Nhưng thực tế, bà con nông dân chỉ tập trung khâu sản xuất, ít quan tâm đến các khâu lai tạo giống mới, tạo ra nguồn cây giống chất lượng. Một số nông dân mong muốn tìm giống cây trồng mới thì lại chọn nhập giống từ nước ngoài về với mức giá khá đắt đỏ. Vì vậy, em mong muốn với những kiến thức mình được học cùng kinh nghiệm thực tiễn, sẽ lai tạo nhiều giống cây trồng chất lượng có nguồn gốc bản địa nhằm phục vụ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp quê hương”.
Ban đầu trở về quê, dự kiến sẽ bắt tay nghiên cứu và lai tạo một số giống hoa đặc trưng ở Làng hoa Sa Đéc để phục vụ cho nông dân trồng hoa. Nhờ cơ duyên đưa đẩy, được một số bạn bè giới thiệu, ngay sau phòng thí nghiệm được đầu tư hoàn tất, chị nhận được đơn đặt hàng lớn từ khách hàng ở Đồng Nai với hơn 100 ngàn cây chuối cấy mô, tổng giá trị đơn hàng trên 230 triệu đồng.
Nhận được đơn đặt hàng lớn, chị Phượng Hằng vừa mừng lại vừa lo bởi quy mô và công suất của phòng thí nghiệm của cơ sở khó đảm bảo tiến độ giao hàng đúng hẹn. Để sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng và giao hàng đúng thời gian cam kết với khách hàng, chị chọn cộng tác với một số phòng nuôi cấy mô uy tín để đồng hành sản xuất. Sau thời gian miệt mài nghiên cứu và lai tạo, đầu năm 2020, Phượng Hằng hoàn tất đơn hàng khủng và nhận được sự đánh giá cao của khách hàng. Nhờ sản xuất cây giống chất lượng nên tiếng lành đồn xa, sau đơn hàng đầu tiên, nhiều nông dân và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tìm đến đặt hàng chuối giống cấy mô của cơ sở.
Với công suất hiện tại của phòng thí nghiệm, trung bình mỗi tháng, chị Phượng Hằng cung cấp cho thị trường khoảng 50.000 cây chuối cấy mô các loại cho thị trường. Ngoài ra, hiện Phượng Hằng cũng đang tiến hành nghiên cứu và lai tạo thêm nhiều giống cây trồng mới của địa phương như hoa kiểng, khoai môn, khóm... bằng phương pháp nuôi cây mô.
Theo chị Phượng Hằng, hiện nay, xu hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học ngày càng nhiều trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, triển vọng của thị trường cây giống cấy mô là rất lớn. Ưu điểm nổi bật của giống cấy mô là cây giống sạch bệnh, phát triển đồng đều, cho năng suất cao. “Vấn đề hiện nay là sản xuất ra nhiều cây giống chất lượng nhưng giá thành cạnh tranh để ngày càng có nhiều nông dân được tiếp cận với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại. Đây là mục tiêu và tâm nguyện mà em đang hướng tới. Trên cùng một đơn vị diện tích, việc canh tác những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao người nông dân sẽ có lợi nhuận tăng thêm nhiều hơn và hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững”, Phượng Hằng chia sẻ.
Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho nông nghiệp và những nghiên cứu trong lĩnh vực lai tạo giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, vừa qua, dự án khởi nghiệp “Sản xuất và kinh doanh cây giống cấy mô” của Nguyễn Phượng Hằng vượt qua 103 ý tưởng, dự án dự thi đến từ 10 tỉnh, thành phố vinh dự đạt giải Nhì tại Cuộc thi khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2021.