Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp
Thời gian qua, tổ chức đoàn các cấp trong tỉnh luôn xác định đồng hành với thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ, 'tiếp lửa' cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Chăm sóc cây trồng từ chế phẩm sinh học tự làm
Ứng dụng thành công cách làm phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả, thức ăn thừa, lá cây trong vườn hay bã đậu nành, chuối, đạm cá…, chị Chu Thị Mai Là (SN 1986) ở xã Quang Minh, huyện Chơn Thành cho biết: “Tham gia chương trình “Chuyến xe tri thức” do Tỉnh đoàn tổ chức, được chuyên gia Hoàng Sơn Công - “cha đẻ” của công nghệ IMO (men vi sinh bản địa) hướng dẫn cách làm men vi sinh từ rác thải hữu cơ có trong nhà bếp nên tôi đã làm thử nghiệm”.
Ngay từ đầu xác định làm nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ nên toàn bộ diện tích ổi của gia đình đều sử dụng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, phân bón hữu cơ có giá khá cao nên chi phí chăm sóc rất tốn kém, bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng cho 4 ha. Gần đây, gia đình tự ủ chế phẩm sinh học từ chuối, bã đậu nành, cá… tưới cho cây trồng nên tiết kiệm được rất nhiều. Hiện các chế phẩm sinh học chỉ cần ủ từ 3-7 ngày là có thể pha loãng tưới cho cây trồng. Nhờ vậy, cây sinh trưởng tốt và kháng được các loại sâu bệnh.
Chị Chu Thị mai Là, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành
Không thành công ở lần đầu trong việc khử mùi cũng như lên men các loại phụ phẩm nhưng chị Là không nản lòng mà tiếp tục khắc phục làm lại cho đến khi đạt được. Hiện chị đã xử lý bã đậu nành không còn mùi chua hay ủ chuối lên men. Bên cạnh làm chế phẩm sinh học dạng nước, chị còn làm dạng khô và tự nhân men vi sinh cả dạng nước và khô.
Gia đình chị Là trồng 4 ha ổi Đài Loan, trong đó 3 ha đã cho thu hoạch. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn ổi của chị đã cung cấp ra thị trường những trái to, giòn, ngọt với sản lượng cao hơn trước. 3 ha ổi của gia đình chị cho thu khoảng 7 tấn trái/tháng, vào vụ thu hoạch chính có thể đạt 15 tấn trái/tháng.
Vì môi trường sống xanh
Với phương châm “Vì một môi trường xanh”, chị Đoàn Thị Minh Trâm (SN 1987) ở ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành đã “bén duyên” với mô hình kinh doanh hoa lan song kiếm bằng phân bón hữu cơ. Chị Trâm cho biết: Lan được trồng ở xung quanh nhà, con lại thường ra chơi đùa nên tôi sử dụng phân bón hữu cơ để bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình cũng như cung cấp hoa lan sạch tới người tiêu dùng. Trước đây, tôi thường mua phân bón hữu cơ để chăm sóc lan. Từ khi tìm hiểu cách làm chế phẩm sinh học IMO, tôi đã giảm chi phí mua phân bón và chủ động được nguồn chế phẩm xịt cho lan. Hiện vườn lan của tôi đã sử dụng đạt 80% chế phẩm sinh học tự làm và hướng tới tự làm đạt 100%.
Nhiệm kỳ 2017-2022, Tỉnh đoàn đã phối hợp tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 28 ngàn thanh niên, học sinh; phối hợp đào tạo nghề cho 2.500 thanh niên; giải quyết việc làm cho hơn 21 ngàn thanh niên; tổ chức gần 50 hội thi nâng cao tay nghề cho hơn 18 ngàn học sinh, sinh viên... và triển khai 5 dự án vốn vay hỗ trợ việc làm. Mỗi năm, Tỉnh đoàn còn phối hợp hỗ trợ vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - k¬ thuật, công nghệ cho ít nhất 10 dự án khởi nghiệp của thanh niên. Trong đó, đã hỗ trợ 13 dự án, giải ngân vốn vay hơn 5 tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế. Tính đến tháng 12-2021, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân hơn 465 tỷ đồng cho thanh niên tiếp cận các chương trình vay vốn.
Bắt đầu mô hình kinh doanh lan song kiếm cách đây hơn 1 năm, nhưng lúc đó chị Trâm vẫn chưa định hình được việc sử dụng phân bón hữu cơ và phân bón hóa học khác nhau thế nào. Sau một thời gian tìm hiểu về lợi ích của phân bón hữu cơ với cây trồng cũng như môi trường sống nên chị đã chọn phân bón hữu cơ để chăm sóc lan. “Tham gia hành trình khởi nghiệp từ rác” do Tỉnh đoàn tổ chức cho thanh niên toàn tỉnh, nhưng tôi cảm thấy chương trình như được tổ chức cho chính mình. Bên cạnh tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu của ĐVTN, tôi còn được học cách làm chế phẩm sinh học. Tôi thấy dễ làm, chi phí thấp, hiệu quả cao; khi xịt chế phẩm sinh học thì cây phát triển tốt, cho hoa đẹp” - chị Trâm chia sẻ.
Đồng hành với thanh niên
Từ đầu nhiệm kỳ 2017-2022, Tỉnh đoàn và các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng hỗ trợ và đồng hành với thanh niên khởi nghiệp. Bên cạnh tổ chức các chương trình hội thảo, diễn đàn cung cấp kiến thức khởi nghiệp cho ĐVTN, tổ chức đoàn còn kết nối giao thương, hỗ trợ thanh niên tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và động viên tinh thần thanh niên vượt khó trong đại dịch, tập trung sản xuất - kinh doanh, Tỉnh đoàn còn tổ chức triển khai mô hình tư vấn 1:1 đến tham quan các mô hình kinh tế của thanh niên. Đồng thời gỡ khó, định hướng và kết nối cho thanh niên gặp gỡ các chuyên gia tư vấn. Thông qua chương trình chuyến xe tri thức, hành trình khởi nghiệp từ rác đã giúp nhiều thanh niên trong tỉnh học hỏi, ứng dụng làm chế phẩm sinh học IMO tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp với mô hình kinh tế của từng ĐVTN. Không những thế, Tỉnh đoàn còn tích cực kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, đầu ra cho sản phẩm để hướng ĐVTN tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bền vững trong tương lai” - Bí thư Tỉnh đoàn Trần Quốc Duy cho biết.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/73/131665/dong-hanh-voi-thanh-nien-khoi-nghiep