Đồng hành với trò nghèo đến trường
Nhiều trường học đóng trên địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng nhà trường luôn cố gắng bằng những hình thức khác nhau để hỗ trợ học sinh nghèo.
Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Bắc, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Quài Nưa (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).
99% học sinh người dân tộc thiểu số
Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa được đóng trên địa bàn xã Quài Nưa, là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tuần Giáo với 99% người dân là dân tộc thiểu số, gồm Thái, H'Mông, Kháng, Mường, Tày.
Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt nên nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong xã vẫn còn cao.
Năm học 2023-2024, Trường tiểu học số 1 Quài Nưa có 409 học sinh, trong đó 163 học sinh thuộc diện hộ nghèo, 132 cận nghèo.
Thầy Nguyễn Văn Bắc chia sẻ: “Ngoài ra, trường chúng tôi có một số em hoàn cảnh rất đáng thương như bố mẹ li hôn; bố mắc tệ nạn xã hội, mẹ đi làm xa để con ở nhà với ông bà. Các em không chỉ thiệt thòi cả về vật chất mà cả tinh thần. Vì vậy để động viên các em tiếp tục đến trường, chúng tôi luôn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên quan tâm, sát sao đến những nhóm học sinh này".
Theo đó, khi các em có biểu hiện lạ hay nghỉ học, giáo viên sẽ đến nhà hỏi han, tìm hiểu nguyên nhân báo cáo về nhà trường để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ, không để các em vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng.
Thầy Nguyễn Văn Bắc cũng cho biết thêm, chúng tôi luôn giáo dục học sinh, trường học chúng là ngôi nhà thứ hai, dù khó khăn, vất vả nhưng thầy cô, nhà trường sẽ không để các em phải đơn độc. Qua đó, chúng tôi mong học trò hiểu và cảm nhận được những tình cảm chân thành mà thầy cô luôn dành cho các em.
Lá lành đùm lá rách
Hằng năm để hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Trường tiểu học số 1 Quài Nưa tổ chức chương trình tương thân tương ái. Theo đó, nhà trường đã kêu vận động cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh quyên góp quần áo, tiền mặt, hiện vật tặng nhằm tặng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường.
Thầy Nguyễn Văn Bằng cho hay: “Mặc dù số lượng quyên góp không quá nhiều, nhưng những món quà thiết thực góp phần xây dựng môi trường học tập đoàn kết, gắn bó, sẻ chia giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên, phụ huynh với học trò khó khăn để động viên các em vượt qua hoàn cảnh vươn lên học tập”.
Bên cạnh đó để học sinh, phụ huynh đồng lòng hưởng ứng, nhà trường trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa đã tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường về mục đích, ý nghĩa của chương trình quyên góp ủng hộ “vì học sinh nghèo".
Thầy Nguyễn Văn Bắc thông tin thêm, nhiều học sinh nơi đây, từ khi phát động cho đến ngày ủng hộ đã tích góp những đồng tiền lẻ của mình để tham gia cùng chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù số tiền không lớn nhưng quá trình giáo dục về tình thương, sự đồng cảm, tương thân tương ái với các bạn khó khăn hơn mình đã lan tỏa tới mỗi học sinh, phụ huynh và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực.
Còn đối với những học sinh được nhận món quà, mặc dù giá trị không lớn nhưng đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để các em yên tâm học tập, không bỏ học giữa chừng.
Một trong những lưu ý mà Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 với giáo dục dân tộc ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp ở vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học.
Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 phù hợp với vùng đồng bào DTTS, mầm non; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, mần non đặc biệt trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường dự bị đại học.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-hanh-voi-tro-ngheo-den-truong-post655979.html