Đồng hành vượt khó
Chủ động tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu mới và điều chỉnh kế hoạch sản xuất hợp lý là cách doanh nghiệp ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động
Theo báo cáo khảo sát do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa công bố, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng, gần 74% số doanh nghiệp (DN) trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động - gồm chi lương cho người lao động (NLĐ), chi trả lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cùng nhiều chi phí khác. Trong bối cảnh đó, để giảm thiểu sự ảnh hưởng của dịch bệnh, một số DN đã có cách ứng phó phù hợp.
Không lo thiếu việc
Ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impluse Việt Nam (100% vốn Nhật Bản; KCX Linh Trung II, quận Thủ Đức, TP TP HCM), cho biết dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến đơn vị bởi hàng hóa của công ty chủ yếu đưa vào thị trường Nhật Bản. Để tránh lệ thuộc vào thị trường Nhật Bản, 2 tháng qua, thay vì chỉ sản xuất máy đóng gói thực phẩm, ban giám đốc đã đa dạng các sản phẩm gia công cơ khí (đúc, sơn tĩnh điện) để tìm kiếm thêm thị trường mới. Nỗ lực này đã giúp DN ổn định việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động.
70% nguồn nguyên phụ liệu được cung cấp từ Trung Quốc nên khi xảy ra dịch bệnh, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (100% vốn nước ngoài; huyện Củ Chi, TP HCM) cũng đối diện với không ít khó khăn. Để ổn định sản xuất, ngoài ưu tiên sản xuất những đơn hàng ít sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc, ban giám đốc còn tranh thủ sự hỗ trợ của tập đoàn tại Đài Loan (Trung Quốc) để tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu mới thay thế. Với sự nhanh nhạy ấy, công ty đã bảo đảm việc làm ổn định cho khoảng 3.000 lao động với thu nhập bình quân hằng tháng khoảng 6,5 triệu đồng/người. Chung tay cùng DN vượt khó, ngoài vận động NLĐ tích cực thi đua sản xuất, làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Công đoàn (CĐ) cơ sở còn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, trang bị khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn cho NLĐ để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Bố trí thời gian làm việc hợp lý
Nhờ có những giải pháp ứng phó linh hoạt nên Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP HCM) không chỉ ổn định việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng mà còn có nhu cầu tuyển thêm 300 lao động. Bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó Chủ tịch CĐ công ty, cho biết lĩnh vực hoạt động của DN là sản xuất giày thể thao xuất khẩu và sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Tuy nhiên, do các nhà cung cấp có công ty tại Việt Nam nên nguồn cung vẫn tương đối bảo đảm. "Đối với những nguyên phụ liệu phải nhập trực tiếp từ Trung Quốc, ban giám đốc công ty tranh thủ sự hỗ trợ từ các đối tác nên không lo thiếu hụt, nhờ vậy hoạt động sản xuất của DN được bảo đảm" - bà Kha cho biết.
Công tác bảo đảm an toàn cho NLĐ trong mùa dịch cũng được ban giám đốc và CĐ quan tâm thực hiện triệt để. Công ty có sử dụng 33 lao động người Trung Quốc. 22/33 lao động này trở lại Việt Nam vào ngày 30-1, đã thực hiện cách ly xong. Tuy nhiên, để NLĐ an tâm, công ty không cho họ tiếp xúc với công nhân (CN) mà bố trí làm việc trực tuyến. Nước rửa tay sát khuẩn do đội ngũ kỹ sư công nghệ sinh học của công ty tự nghiên cứu, pha chế cũng được bố trí khắp các xưởng để NLĐ sử dụng. Công ty cũng tiến hành kiểm tra thân nhiệt và trang bị khẩu trang y tế cho khách và nhân viên nhà ăn. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, CĐ cơ sở còn chủ động thương lượng với DN bố trí thời gian làm việc hợp lý cho NLĐ để họ có thời gian nghỉ ngơi, tăng cường sức khỏe để kháng dịch.
Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Động viên công nhân làm việc
Trước những khó khăn của DN do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình lao động, việc làm của NLĐ, đặc biệt là CN trong các DN bị ảnh hưởng trực tiếp về xuất nhập khẩu, nguyên liệu sản xuất, lao động, DN có vốn đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ý... và đội ngũ giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các đơn vị thống kê số CN bị mất việc làm hoặc thiếu việc làm, chậm trả lương, trả thưởng, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... để có biện pháp bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Cùng với đó, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cần chỉ đạo CĐ cơ sở phối hợp người sử dụng lao động ổn định quan hệ lao động; tuyên truyền, vận động NLĐ chia sẻ, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, thách thức trong sản xuất - kinh doanh; duy trì các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ. Các CĐ cơ sở cần phối hợp người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và DN phụ trợ trong nước nhằm giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất và đề phòng trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài gây nguy cơ hết nguồn nguyên liệu, DN phải ngừng sản xuất, cắt giảm lao động.
Kỳ tới: Sát cánh cùng doanh nghiệp
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/dong-hanh-vuot-kho-20200310215331724.htm