Dòng họ học tập tiêu biểu ở Công Đa

Sự hiếu học của những người con, cháu dòng họ Ma ở xã Công Đa (Yên Sơn) được duy trì qua các thế hệ. Dù hoàn cảnh khó khăn, các gia đình vẫn nhất quyết cho con, em trong dòng học hành đến nơi, đến chốn. Nhờ trọng việc học, tri thức được mở mang nên người họ Ma tích cực ứng dụng khoa học trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Không ít tấm gương vượt khó học tập đã trở thành những cán bộ mẫn cán công tác tại các cơ quan trong và ngoài tỉnh, góp công sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Từ truyền thống hiếu học

Đến xã Công Đa phải vất vả vượt qua những đoạn đường xuống cấp mấp mô, nhiều ổ gà, nhưng tôi lại phấn khởi, vui mừng khi được nghe câu chuyện kể về những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập của dòng họ Ma hiếu học. Ông Ma Quốc Huy, dân tộc Tày, năm nay đã ngoài 60 tuổi kể, ở thế hệ trước, chuyện học hết cấp 3 ở quê chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông vẫn còn nhớ ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp cả xóm xúm xít đến xem. Ai cũng ngưỡng mộ sự học của gia đình ông, bởi các anh, chị em nhà ông ai cũng được bố mẹ quan tâm cho học hành đến nơi, đến chốn. Dù phải ăn sắn, ăn khoai nhưng chuyện học ở dòng họ Ma được coi là một việc hệ trọng mà cả gia đình đều ủng hộ.

Gia đình ông Ma Quốc Huy vẫn lưu giữ và trân trọng những tấm Giấy khen của các cấp tặng dòng họ Ma và con cháu trong dòng họ.

Gia đình ông Ma Quốc Huy vẫn lưu giữ và trân trọng những tấm Giấy khen của các cấp tặng dòng họ Ma và con cháu trong dòng họ.

Chuyện đi học đối với mỗi người con họ Ma là cả một chặng đường đầy gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi tự hào. Từ quê hương Công Đa, họ phải trèo đèo, lội suối cả ngày trời để đến trường học tập, trên đôi vai nặng những bó củi, đồ dùng sinh hoạt. Đến trường phải vừa học, vừa lao động để lấy lương thực thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày. Ông Ma Quốc Chương, em trai ông Ma Quốc Huy nhớ lại, có những hôm qua suối lớn nước dâng cao suýt thì trôi cả người, lại có hôm băng qua rừng dẫm chân phải rắn... ấy thế nhưng dù khó khăn đến đâu anh em nhà ông vẫn đoàn kết động viên nhau cùng học tốt.

Trong gia đình ông Huy, ông Chương có đến 9 anh chị em đều đi học hết cấp 3, trong đó có nhiều người học xong đã đi học tiếp lên trung cấp, cao đẳng và đại học như: Ông Ma Văn Nhượng học Đại học Nông nghiệp, sau đó công tác tại Huyện ủy Yên Sơn, Hội Nông dân tỉnh; bà Ma Thị Ủy, học Đại học Kinh tế quốc dân từng làm đến Phó Chánh Thanh tra tỉnh; ông Ma Quốc Huy học Trung cấp Cảnh sát nhân dân; ông Ma Quốc Chương, học Đại học Giao thông Vận tải, công tác trong ngành Thanh tra tỉnh; bà Ma Thị Nguyệt, học Cao đẳng Sư phạm đang công tác tại Trường THPT Tân Trào... Trong quá trình công tác, những người con của dòng họ Ma đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp, các ngành khen thưởng.

Cho “mầm xanh” vươn mãi

Trải qua các thế hệ, con, em của dòng họ Ma luôn quan tâm đến việc học. Trong mỗi dịp lễ, tết, ngày giỗ chạp, họ đều tề tựu đông đủ để động viên, khích lệ thế hệ trẻ vươn lên trong học tập. Chính vì thế, con, cháu trong dòng họ Ma từ nhỏ đã ngấm trong máu sự ham học, say mê chinh phục những đỉnh cao của tri thức. Nhiều em trở thành những học sinh giỏi thi đỗ đại học với điểm số cao. Tiêu biểu như em Ma Xuân Quang, con ông Ma Quốc Chương từng đạt giải Nhất môn Vật lý trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS cấp tỉnh; giải Nhì cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp quốc gia môn Vật lý bậc THPT. Đồng thời, là thí sinh dân tộc thiểu số ở trung du miền núi duy nhất trong toàn quốc trúng tuyển Lớp kỹ sư tài năng cơ điện tử của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện nay, Quang đang học tập tại Nhật Bản theo chương trình hợp tác của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với các trường đại học trên thế giới. Học tập ở nước ngoài, em còn tích cực cùng đoàn sinh viên quốc tế tham gia các hoạt động từ thiện, dạy tiếng Anh miễn phí cho hàng trăm học sinh nghèo ở Indonesia. Quang cho biết, sự ham học và có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu. Nhưng quan trọng nhất là em được sinh ra trong một gia đình mà ông bà, cha mẹ đều quan tâm đến việc học của các con, các cháu. Những phần thưởng hay sự quan tâm, động viên thường xuyên đã tạo động lực giúp em nỗ lực học tập để đạt được kết quả tốt nhất.

Theo thống kê của dòng họ Ma ở Công Đa, trong thế hệ trẻ của dòng họ có 30 người đã học xong THPT, trong số đó có hơn 80% thi đỗ vào các trường đại học. Hiện nay, có 3 trường hợp đang học cao học với nhiều ngành nghề khác nhau như Luật, Y tế và Giao thông vận tải. Không chỉ có thành tích trong học tập, những người con, cháu trong dòng họ Ma còn luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác, rèn luyện. Đến nay, hầu hết các con, cháu của dòng họ Ma đều được kết nạp Đảng từ rất sớm và có lối sống mẫu mực, được cộng đồng nể trọng. Trong dòng họ, các gia đình luôn đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, những gia đình họ Ma ở thành phố Tuyên Quang thường xuyên nhận giúp đỡ chỗ ăn, ở miễn phí cho các cháu ở quê ra để các cháu yên tâm học tập, đạt được kết quả tốt nhất. Có lần tôi vào công tác tại xã Trung Sơn, khi đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Trung Sơn (Yên Sơn) thấy ấn tượng với hình ảnh người cán bộ của bệnh viện đang cấp thuốc và hướng dẫn cặn kẽ người dân cách sử dụng thuốc. Hỏi ra mới biết, đó là Dược sỹ Ma Văn Hoàng, con ông Ma Quốc Huy ở xã Công Đa. Hoàng chia sẻ, em tốt nghiệp Trường Đại học Dược Hà Nội và có cơ hội xin làm việc ở nhiều bệnh viện lớn ở thành phố, song em vẫn quyết định trở về quê hương để làm việc. Hoàng cho rằng, từ nhỏ em đã được cha mẹ dạy phải làm việc gì có ích cho quê hương. Chính vì thế được giúp đỡ người dân quê trong khám chữa bệnh hàng ngày là một niềm vui và em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt công việc của mình.

Điểm sáng trong công tác khuyến học, khuyến tài

Từ nhiều năm nay, dòng họ Ma đã thành lập và phát triển Quỹ Khuyến học để chủ động trong việc trao học bổng, khuyến khích học sinh có thành tích trong học tập. Theo quy định, mỗi gia đình sẽ đóng góp vào quỹ khuyến học theo mức trung bình từ 300 đến 500 nghìn đồng/hộ/năm, gia đình nào có điều kiện có thể đóng thêm. Ông Ma Văn Nhượng, Trưởng dòng họ Ma xã Công Đa nói, việc duy trì, phát triển Quỹ Khuyến học và công tác khuyến học, khuyến tài đã trở thành nét đẹp, lan tỏa trong mọi người, mọi nhà. Con cháu dòng họ Ma đi đâu, làm gì cũng đều nêu cao tinh thần tự giác, sẵn sàng tham gia ủng hộ, phát triển quỹ khuyến học của cơ quan, đơn vị nơi công tác.

Em Ma Xuân Quang trong lần tham gia chương trình tình nguyện dạy học
miễn phí cho trẻ em ở Indonesia.

Mới đây, đại diện Quỹ Khuyến học của dòng họ Ma đã tổ chức đi thăm và trao học bổng cho cháu Phan Văn Tuấn, con của chị Ma Thị Thùy Linh ở Bắc Ninh có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi, đạt giải Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh. Chị Ma Thị Thùy Linh xúc động bày tỏ, dù đã đi làm dâu ở xa nhưng chị vẫn luôn nhận được sự quan tâm từ quê nhà và người thân trong dòng họ Ma. Đó là sự khích lệ, động viên rất lớn để gia đình chị vượt qua khó khăn nuôi con trưởng thành.

Hiện nay, dòng họ Ma ở xã Công Đa có 35 hộ với hơn 150 nhân khẩu. Nhắc đến dòng họ Ma, người dân trong xã không chỉ biết đến với truyền thống hiếu học mà còn khâm phục ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Ông Lương Công Trình, Chủ tịch UBND xã Công Đa cho biết, dòng họ Ma xã Công Đa là dòng họ hiếu học tiêu biểu ở địa phương. Không chỉ coi trọng công tác khuyến học, khuyến tài, các hộ gia đình trong dòng họ còn luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Dòng họ đã nhiều lần được Hội Khuyến học tỉnh và Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài. Đây là mô hình dòng họ học tập mà xã luôn tuyên truyền để nhân rộng, góp phần phát triển phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn.

Phóng sự: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/dong-ho-hoc-tap-tieu-bieu-o-cong-da-123580.html