Dòng họ Thào góp sức bảo vệ biên giới

Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Trong đó, chú trọng phát huy sức mạnh nhân dân địa phương vào thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tổ tự quản dòng họ Thào ở thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong những mô hình tiêu biểu.

Ông Thào Hà, Bí thư Chi bộ bản Cốc Phương, phó dòng họ Thào (thứ hai từ trái sang) trao đổi thông tin với cán bộ tổ công tác chốt chặn trên biên giới của Đồn Biên phòng Bản Lầu. Ảnh: Viết Lam

Ông Thào Hà, Bí thư Chi bộ bản Cốc Phương, phó dòng họ Thào (thứ hai từ trái sang) trao đổi thông tin với cán bộ tổ công tác chốt chặn trên biên giới của Đồn Biên phòng Bản Lầu. Ảnh: Viết Lam

Đồn Biên phòng Bản Lầu được giao nhiệm vụ bảo vệ đoạn biên giới dài 13,143km (trên sông suối, đất liền) và địa bàn 2 xã Bản Lầu và Tùng Vai, xã Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Khu vực biên giới do đơn vị quản lý có nhiều đường mòn, lối mở có thể qua lại hai phía biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại các địa phương có mối quan hệ dân tộc, thân tộc, thường xuyên trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa với nhân dân sinh sống ở phía biên giới đối diện. Cùng với những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu đây cũng chính là những yếu tố tiềm ẩn các loại tội phạm lợi dụng hoạt động.

Trước tình hình thực tế, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Bản Lầu đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, chú trọng nắm chắc tình hình địa bàn, tăng cường tuần tra, sẵn sàng phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân dân địa phương để mọi người ý thức được trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Trên cơ sở đó, Đồn Biên phòng Bản Lầu đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các tổ tự quản đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn. Tính đến nay, 7 tổ tự quản đường biên, mốc giới, an ninh trật tự tại 7 bản biên giới thuộc 2 xã Bản Lầu và Tùng Vai đều hoạt động rất nề nếp, trở thành cánh tay nối dài của BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ. Các tổ thường xuyên cử thành viên tham gia cùng Đồn Biên phòng Bản Lầu trong các hoạt động tuần tra, kiểm soát biên giới. Quá trình sinh sống, sản xuất, mỗi người dân đều phát huy vai trò của mình trong nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Đại úy Phạm Thiện Hãnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bản Lầu cho biết: “Đường biên giới dài với nhiều đường mòn, sông suối có thể qua lại, cùng với những biện pháp nghiệp vụ thì phải dựa vào dân. Nhân dân mới là tai mắt giám sát mọi hoạt động để chúng tôi nắm, kịp thời có các biện pháp xử lý các vụ việc phát sinh. Mô hình vận động dòng họ chung tay bảo vệ an ninh biên giới đã phát huy tác dụng, dòng họ Thào ở bản Cốc Phương là nổi bật nhất”.

Tổ tự quản đường biên, mốc giới, an ninh trật tự dòng họ Thào ở thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu là điểm sáng tại địa phương. Ông Thào Hà, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Phương, cũng là phó dòng họ Thào tại đây cho biết: “Dòng họ Thào gồm có 18 gia đình trong bản định cư sát biên giới. Mọi hoạt động canh tác, sản xuất đều theo đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Được BĐBP tuyên truyền nên mọi người đều xác định phải gìn giữ từng tấc đất của biên cương Tổ quốc, xây dựng bản làng giàu đẹp, ổn định”. Rồi ông Thào Hà kể lại câu chuyện diễn ra gần đây. Khi đó, bà Thào Thị Do - một người dân trong dòng họ lên làm nương sát với cột mốc 112 thấy có mấy gốc xoài, gốc chuối của người bên tổ Tam Bình Bá, thuộc thôn Long Bảo, trấn Nam Khê, Trung Quốc trồng lấn qua bà Do đã chạy về nhà gặp mọi người để báo, sau đó sự việc được chúng tôi trình báo với Đồn Biên phòng Bản Lầu để cử cán bộ trực tiếp ra hiện trường kiểm tra.

Nhận thấy vụ việc người dân báo cáo hoàn toàn chính xác, Đồn Biên phòng Bản Lầu đã kết nối, liên lạc với đơn vị bảo vệ biên giới phía Bạn để phối hợp xử lý. Chủ của mảnh nương có mấy gốc chuối, gốc xoài trồng lấn qua đất Việt Nam được gọi đến. Trước sự phân tích, chỉ ra vi phạm, họ đã tự giác nhổ mấy gốc vừa trồng lấn qua trước sự chứng kiến của lực lượng bảo vệ biên giới hai bên.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-ho-thao-gop-suc-bao-ve-bien-gioi-post429109.html