Động Kim Quang xưa và nay

Động Kim Quang- căn cứ cách mạng của Huyện ủy Tòa Thánh (nay là thị xã Hòa Thành) đã trở thành địa chỉ đỏ của Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

Cụm tượng tái hiện những hoạt động của những chiến sĩ cách mạng trong động Kim Quang.

Cụm tượng tái hiện những hoạt động của những chiến sĩ cách mạng trong động Kim Quang.

“Đồn Việt cộng”

Động Kim Quang là một hang động khá rộng nằm trên sườn phía Bắc núi Bà Đen, cách chân núi khoảng 500 mét, địa hình khá hiểm trở. Muốn vào đến hang động, từ chân núi phải vượt qua một vực sâu khoảng 4-5 mét, rộng hàng chục mét.

Vào mùa mưa, nước từ trên núi chảy xuống vực ầm ầm như thác đổ; mùa khô, nước róc rách vòng quanh dưới những tảng đá khổng lồ. Trên động Kim Quang gồm nhiều tảng đá khổng lồ chồng chất lên nhau, tạo thành một mái hầm trú ẩn thiên nhiên vô cùng kiên cố.

Trong động có một không gian trống, rộng cả trăm mét vuông. Mùa mưa, nước không tràn vào trong động. Mùa nắng, không khí trong hang vẫn mát rười rượi. Chính vì có địa hình vừa hiểm trở, vừa lý tưởng như thế, nên ngay từ xa xưa, hang động này đã được chọn làm nơi tu hành, thờ cúng.

Ngược dòng lịch sử, sau chiến thắng Tua Hai (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, ngày 26.1.1960), Ban Cán sự Đảng Tòa Thánh thành lập Đội vũ trang tuyên truyền, quân số gần một tiểu đội, do ông Nguyễn Văn Sáu (Sáu Dò) làm Đội trưởng.

Quý III năm 1961, Huyện ủy Tòa Thánh chọn động Kim Quang làm căn cứ. Tại động Kim Quang, Huyện ủy Tòa Thánh triển khai Nghị quyết 3/62 của Trung ương Cục về công tác quân sự và Nghị quyết 4/62 về đẩy mạnh đấu tranh chính trị, vũ trang lâu dài, đánh đổ từng phần, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Theo lời kể của ông Phan Thanh Hùng (Phan Thành Quên), 72 tuổi, ngụ ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành- một trong những người trực tiếp cầm súng chiến đấu ở động Kim Quang và trên núi Bà Đen trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngày trước động Kim Quang có một người đến tu hành.

Trước hang động, ông thầy tu xây tường dày 20cm, hai bên có gắn 2 cửa lá sách bằng gỗ. Phía sau hang động có lối ra và cũng được gắn cửa lá sách. Bên trong động tráng xi măng bằng phẳng, có bệ tam cấp thờ cúng tượng phật và có 8 bộ ván gỗ đánh véc-ni sạch sẽ.

Năm 1961, lực lượng kháng chiến về ở, ông thầy tu xin phép mang theo đồ cúng đi nơi khác, nhường hang động lại cho cách mạng. Phía sau động có mạch nước ngầm, các chiến sĩ dùng dây ống nhựa chuyền nước vào trong động để sinh hoạt. Xung quanh hang động cây cối, dây leo chằng chịt rất rậm rạp.

Năm 1965, quân địch đưa 1 đại đội lên chùa Bà đóng quân, chúng bắn chết 3 chiến sĩ cách mạng. Được lệnh cấp trên, ông Hùng (tiểu đội trưởng) dẫn hơn 10 chiến sĩ xuất phát từ động Kim Quang lên khu vực chùa Bà tìm kiếm, chôn cất các chiến sĩ vừa hy sinh và tấn công quân địch.

Ở động chỉ còn lại 4 chiến sĩ và 2 khẩu súng, trong đó có 3 người bị bệnh sốt rét. Một đại đội biệt kích của địch tấn công động Kim Quang. Ông Lê Văn Dừa (Ba Dừa)- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tòa Thánh chỉ đạo ông Hùng và ông Hiệp ban đêm đi cắt đường ống dẫn nước sinh hoạt vào động Kim Quang, gây khó khăn cho địch. Cắt đường ống nước xong, ông Hùng và ông Hiệp ẩn mình phía trên hang động, chờ sáng hôm sau ném lựu đạn vào động, gây tổn thất cho quân địch.

Trước tình hình đó, địch rút lui khỏi động Kim Quang. Những năm sau đó, chúng tổ chức thêm nhiều trận đánh lớn hòng chiếm lại động Kim Quang, nhưng đều bị quân ta bẻ gãy, bảo vệ hang động an toàn đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Anh Nguyễn Thành Trung tham quan động Kim Quang.

Anh Nguyễn Thành Trung tham quan động Kim Quang.

Địa chỉ đỏ cho các thế hệ trẻ

Sau ngày miền Nam giải phóng, động Kim Quang được giữ gìn và đầu tư xây dựng thành di tích lịch sử, địa điểm tham quan du lịch. Ngay dưới chân núi xây dựng nhà truyền thống trưng bày nhiều hình ảnh tư liệu về các đơn vị tham gia chiến đấu ở núi Bà Đen và động Kim Quang.

Con đường từ chân núi vào động Kim Quang cũng được mở rộng, sắp đá lại thành bậc tam cấp cho khách dễ tham quan. Trên con suối cắt ngang động Kim Quang đã được xây một chiếc cầu treo nối hai bờ vực thẳm.

Những năm gần đây, cây cầu treo được thay thế bằng cầu bê tông xi măng vững chãi. Trên những tảng đá xung quanh khu vực động xây dựng một số tượng chiến sĩ cách mạng mặc áo bà bà, mang dép râu, khăn rằn quấn cổ, tay cầm súng đứng gác như những chiến sĩ năm xưa. Trước cửa động điêu khắc hình một quyển sách cách điệu lịch sử động Kim Quang. Trên đó ghi tóm tắt vai trò, vị trí động Kim Quang huyền thoại.

Đặc biệt, trong lòng động Kim Quang xây dựng ba cụm tượng, tái hiện lại những hoạt động của các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến. Ngoài ra, trong động còn có bàn thờ chiến sĩ trận vong.

Trên một tảng đá sát vách núi có hình chú rùa đội bia đá, trên khắc dòng chữ “Tổ quốc ghi công”. Phía trên động Kim Quang còn có một số hang động khác như động Cây Da, động Xe Tăng, hang Y tế, hang đất v.v… tạo thành một hệ thống hang động trên sườn núi.

Động Kim Quang trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (ảnh tư liệu).

Động Kim Quang trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (ảnh tư liệu).

Ông Mai Văn Hợp- nhân viên Ban Quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cho biết thêm, vị thầy tu sinh sống trong hang động trước đây tên Nguyễn Văn Tài, pháp danh Kim Quang. Ngày 14 tháng Giêng năm 1961, ông bàn giao hang động cho lực lượng cách mạng.

Từ đó, Huyện ủy Tòa Thánh quyết định đặt tên hang động này là Kim Quang và lấy ngày 14 tháng Giêng làm ngày truyền thống động Kim Quang. Ngày 14 tháng Giêng hằng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Tòa Thánh, nay là thị xã Hòa Thành tổ chức họp mặt truyền thống cách mạng động Kim Quang.

Những vị nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện Tòa Thánh trước đây, các vị lão thành đã từng sống, chiến đấu ở động Kim Quang, các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đều đến dự buổi họp mặt. Vào những ngày rằm, lễ, tết còn có đông đảo du khách gần xa đến động Kim Quang tham quan, cúng viếng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ và du khách hiểu rõ thêm về truyền thống động Kim Quang, năm 2012, ngành chức năng đầu tư xây dựng dưới chân núi Bà Đen nhà truyền thống Di tích lịch sử động Kim Quang.

Hiện tại, nơi đây trưng bày hơn 70 hiện vật chiến tranh, hình ảnh các vị lãnh đạo từng sinh sống, tham gia hoạt động cách mạng trên núi Bà Đen và gắn liền với động Kim Quang. Hằng năm, ước tính có khoảng 4.000 người đến tham quan, tìm hiểu về hang động lịch sử này. Vào những ngày hè, lễ, tết, nơi đây trở thành điểm đến của nhiều thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh.

Anh Nguyễn Thành Trung, ngụ phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh, sinh viên năm cuối Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến tham quan động Kim Quang. Trung chia sẻ: “Mỗi lần đến đây tôi đều bồi hồi xúc động, vì trong hang động nhỏ bé, thiếu thốn mọi mặt nhưng cán bộ, chiến sĩ chịu đựng gian khổ, kiên cường sống, chiến đấu đến ngày đất nước hòa bình”.

Với vai trò quan trọng trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc, động Kim Quang nói riêng, núi Bà Đen nói chung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và trở thành địa chỉ đỏ cho nhiều thế hệ trẻ hôm nay.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/dong-kim-quang-xua-va-nay-a155519.html