Đồng Kỵ - làng nghề 'tỷ phú', tấp nập một thời đã thưa vắng tiếng xẻ, cưa!
Làng nghề gỗ Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) từng được xem như một điểm sáng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh vào những năm 2000. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, khung cảnh tấp nập, giàu sang, sung túc đó đã thay bằng một bức tranh vô cùng ảm đạm, não nề.
Theo các hộ kinh doanh, trong khoảng 2 năm trở lại đây, việc kinh doanh của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đang rơi vào tình trạng thất thu, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng sản xuất đều bị ứ đọng.
Khung cảnh ảm đạm của các cửa hàng kinh doanh đồ gỗ Đồng Kỵ.
Thị trường đồ gỗ bão hòa
Đến với Đồng Kỵ thời điểm này, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Nếu trước những tiếng cưa, tiếng máy xẻ gỗ dậy lên không khí lao động hối hả, khẩn trương cho những đơn hàng trong và ngoài nước, thì giờ đây chỉ còn tiếng xẻ gỗ, tiếng đục thưa thớt ở một vài nhà còn cố bám trụ lại để giữ nghề.
Dọc hai bên đường các cửa hàng bán đồ gỗ phần lớn là đóng cửa, hay đã chuyển đổi hình thức kinh doanh. Đi sâu vào khu sản xuất của làng nghề phần lớn các nhà xưởng then cài cửa cuốn, bụi và mạng nhện giăng kín mít.
Cửa hàng sản xuất đồ gỗ được chuyển đổi sang cửa hàng điện thoại.
Nếu những năm trước một xưởng có khoảng 50 đến 60 công nhân thì nay cũng xưởng đó, nhân lực cắt giảm còn chưa đến 10 người. Thậm chí có xưởng chỉ có 1-2 công nhân. Phần lớn là các xưởng sản xuất cầm chừng. Những xưởng sản xuất cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Để có được việc làm nhiều xưởng đã sản xuất các sản phẩm dễ tiêu thụ hơn.
Người không có việc làm, những đống gỗ cũng bị bỏ ngoài trời mặc cho mối ăn.
Thị trường Trung Quốc đóng băng do dịch Covid-19, khiến cho các thương lái ngừng thu mua sản phẩm nên hàng hóa ứ đọng, không xuất đi được. Hàng không bán được khiến cho không ít gia đình vỡ nợ, trắng tay, bị ngân hàng siết nợ do ứ đọng vốn. Cùng với đó, thanh niên và người dân Đồng Kỵ lâm vào cảnh thất nghiệp buộc họ phải bỏ nghề để đi làm công nhân tại các khu công nghiệp.
Cả nhà xưởng rộng hơn 100 mét vuông chỉ có một công nhân làm việc.
Anh Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, cho biết: Trong khoảng hai năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng hóa không được lưu thông khiến cho các hộ sản xuất rơi vào tình trạng thất thu, người dân không có việc để làm.
Những chiếc máy cưa đã băt đầu han gỉ, dây điện cũng bị tháo gỡ.
Anh Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết: "Từ cuối năm 2018 đến nay, chính mắt tôi chứng kiến không ít hội viên phải đóng cửa hàng để tha hương, nhà nào còn mở thì cũng ế ẩm, vắng vẻ, khách đến xem hàng một tháng chắc đếm trên đầu ngón tay, thì lấy đâu ra khách mua hàng".
"Đến cả những đơn vị đã có thương hiệu, uy tín thì vẫn phải hoạt động cầm chừng, thì những cở sở sản xuất mới, vốn mỏng, thị trường hẹp cơ bản đã giải thể, thậm chí có những doanh nghiệp phá sản", anh Vương bùi ngùi chia sẻ với chúng tôi.
Các hộ kinh doanh ở đây đều rơi vào tình trạng chung cả ngày không có khách hàng đến xem đồ.
Đâu là hướng đi?
Trong hơn 2 năm qua có thể thấy dịch Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh tại Đồng Kỵ. Khi thị trường Trung Quốc đóng băng thì kéo theo các doanh nghiệp nhập khẩu tại đây cũng lao đao.
Chị Dương Thị Nga 43 tuổi (Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: "Những năm trước đây gia đình tôi cũng làm chủ một xưởng sản xuất lúc nhiều việc cũng phải trên 20 công nhân, bây giờ cả hai vợ chồng đi làm thuê mỗi tháng chưa được 7 triệu đồng, cũng muốn bỏ đi làm công nhân nhưng vì con còn nhỏ, cứ cái đà này thì một hai năm nữa tôi cũng phải tìm công việc khác".
Cũng theo chị Nga, sự xuất hiện của các cơ sở sản xuất đồ gỗ tại các địa phương khiến cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ tại Đồng Kỵ bị giảm đi nhanh chóng.
Những nhà xưởng vắng bóng công nhân.
Phân tích những khó khăn của làng nghề Đồng Kỵ, anh Vương cho hay: "Có thể thấy bài toán khó khăn nhất trong thời gian vừa qua đó chính là khâu thị trường đầu ra cho sản phẩm, để làng nghề không bị ‘xóa sổ’ chúng tôi đã tích cực đi tìm thị trường cho đầu ra, phân khúc thị trường trong nước cho sản phẩm, đó là bài toán sống còn với làng nghề".
"Hiện nay những thị trường mà các doanh nghiệp đang hướng đến đó chính là châu Âu, trong nước thì chúng tôi cũng đã đàm phán với các công ty xây dựng lựa chọn, sử dụng các sản phẩm mới của làng nghề đang sản xuất", anh Vương cho biết.
Những ông chủ xưởng gỗ ở đây cho rằng, việc xây dựng trung tâm thương mại cho làng nghề để quảng bá sản phẩm, trung tâm thương mại sẽ là nơi để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, tập trung các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng để tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại. Theo họ, có lẽ hướng đi mới bền vững hơn cho làng nghề đó chính là việc dần chuyển các sản phẩm từ gỗ tự nhiên sang gỗ rừng trồng và gỗ Châu Phi nhập khẩu, để tháo gỡ những khó khăn trước mắt về vốn cho các hộ sản xuất kinh doanh.
Để phát triển bền vững và lâu dài đại diện Hiệp hội đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cũng mong muốn nhà nước tạo nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cho làng nghề như đơn giản hơn nữa các thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến để đầu tư, xóa bỏ không khí u ám bao quanh làng nghề trong suốt thời gian qua để tạo làn gió mới trong sản xuất kinh doanh, giúp cho đồ gỗ Đồng Kỵ vươn xa ra nước ngoài.