Đọng lại một chữ tình

Tôi không nhớ có biết bao nhiêu chuyến đi về với đồng bào miền núi ở Thanh Hóa trong gần 18 năm làm phóng viên thường trú của báo Tiền Phong ở tỉnh này. Viết chút kỷ niệm nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày báo Tiền Phong ra số đầu tiên, lòng tôi cứ chộn rộn, đứt rời ký ức về những chuyến đi ấy.

Có lẽ, khó quên nhất là những mùa lũ ở các huyện miền núi ở Thanh Hóa. Những trận lũ quét cướp đi nhiều người, tài sản của đồng bào ở các huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn... Trước đây, phóng viên có nhiều thời gian cho việc xử lý bản thảo, hình ảnh trong ngày của sự kiện để chuyển về tòa soạn biên tập, lên trang cho số báo giấy ngày mai. Những năm gần đây, báo điện tử phát triển, phóng viên chạy đua với thời gian, tư duy về thông tin, hình ảnh theo nhịp mới. Mỗi trận lũ quét, cánh phóng viên thường trú có khi “phân công lao động” để hỗ trợ nhau trong việc cập nhật số liệu diễn biến sự kiện, di chuyển nhanh nhất có thể về hiện trường để ghi nhận... Bánh mì, lương khô, mì tôm là lương thực chính trong những ngày ở vùng lũ.

Tác giả trong chuyến công tác tại huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa

Tác giả trong chuyến công tác tại huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa

Trong nhiều chuyến công tác ấy, đêm trước kết thúc hành trình, chúng tôi thường mượn chén rượu để cảm ơn, chia tay với đồng bào... Rượu nơi này, độ cồn không quá cao, nhưng cũng không phải “cô ca” hay “nước ngọt” đối với cánh phóng viên nữ. Dù mệt, nhưng dường như, tôi chưa bao giờ từ chối chén rượu này. Bởi, ở những thời điểm ấy, chén rượu như làm bớt nỗi ám ảnh, tang thương nơi lũ vừa qua. Đôi khi, nâng chén rượu lên môi nhấp một chút như một hành vi vô thức trong bầu không khí tĩnh lặng với ý nghĩ, chút men có thể làm mình bình tâm hơn khi đối diện với chia ly, mất mát, đau thương và hy vọng về một cuộc sống mới yên bình cho nơi này.

Và nhiều chuyến công tác khác về các huyện miền núi, thường thì tôi không lựa chọn ở nhà khách trung tâm huyện qua đêm, mà thường cố gắng di chuyển đến bản, làng, rồi xin ở lại một nhà dân nào đó. Những bữa ăn với đồng bào chủ yếu chỉ có măng luộc và cơm nếp; thịnh soạn hơn là có món canh lá khoai môn khô nấu với nòng nọc vớt ngoài suối và gạo rã... Các bữa ăn, dường như không bao giờ thiếu rượu. Thật khó để lý giải, vì sao cứ phải có chút rượu trong những chuyến công tác về với đồng bào miền núi? Cứ phải uống rượu thì đồng bào, cơ sở mới cảm thấy “thân thiện”? Tôi không nói về câu chuyện phong tục, tập quán, văn hóa... nhưng thật lòng mà nói, đó là những chén rượu của tấm lòng, sự chân tình, thân thiện của đồng bào mà tôi luôn trân trọng.

Gần 18 năm công tác tại báo Tiền Phong, vốn là người kiệm lời, lặng lẽ trong hành trình của mình, nhưng nay, mượn chút chuyện về rượu trong ký ức những chuyến công tác về với đồng bào miền núi, điều tôi muốn nói là trong những ngày lội bùn, vượt núi, băng sông về với vùng lũ ấy, những lời nhắn hỏi “tình hình sao rồi em? Ăn gì chưa? Cẩn thận nhé?...” của các thư ký, biên tập viên gọi, nhắn về từ tòa soạn chính là “tình”, là “lửa” khiến tôi vượt khó, “thủy chung” với Tiền Phong!

Điều tôi muốn nói là trong những ngày lội bùn, vượt núi, băng sông về với vùng lũ ấy, những lời nhắn hỏi “tình hình sao rồi em? Ăn gì chưa? Cẩn thận nhé?...” của các thư ký, biên tập viên gọi, nhắn về từ tòa soạn chính là “tình”, là “lửa” khiến tôi vượt khó, “thủy chung” với Tiền Phong!

Hoàng Lam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dong-lai-mot-chu-tinh-post1586993.tpo