Đồng loạt đề nghị không đưa sữa cho người già vào diện bình ổn giá

Việc bổ sung thêm mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá có nhiều điểm bất cập, khó khăn khi thực thi

Hiệp hội sữa Việt Nam (VDA), Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài Chính không bổ sung sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi.

Thế giới chưa có quốc gia nào phân loại sữa dành cho người cao tuổi

Theo lãnh đạo Hiệp hội Sữa Việt Nam, khi dự thảo Luật Giá sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến tháng 6-2022 nhận thấy dự thảo vẫn tiếp tục tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ngày 15-5, báo chí đăng tin Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã nhất trí với danh mục hàng hóa phải bình ổn giá mới, trong đó bổ sung thêm mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi để chuẩn bị thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Việc đưa thêm mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá rất bất hợp lý và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi với các doanh nghiệp (DN) ngành sữa; Không phù hợp với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của DN.

Cụ thể, việc bổ sung thêm mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá có nhiều điểm bất cập, khó khăn khi thực thi. Bởi trên thế giới chưa có tổ chức hay quốc gia nào phân loại sữa dành cho người cao tuổi cũng như không kiểm soát giá các mặt hàng sữa cho người lớn.

Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản pháp lý quy định sữa là mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, đưa sữa nói chung và sữa cho người cao tuổi vào danh mục hàng hóa bình ổn giá là không phù hợp.

Nếu đưa mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào bình ổn giá sẽ rất khó khăn trong thực thi do sữa và sản phẩm sữa rất phong phú và đa dạng.

Hơn nữa, việc bổ sung mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục hàng hóa bình ổn giá chưa được lấy ý kiến rộng rãi, chưa có báo cáo đánh giá tác động. Vì vậy, DN rất e ngại tính khả thi, những tác động đến sản xuất kinh doanh cũng như việc đầu tư phát triển ngành sữa gặp nhiều khó khăn.

Sữa và thực phẩm được tặng cho người cao tuổi. ẢNH: A.TUYẾT

Sữa và thực phẩm được tặng cho người cao tuổi. ẢNH: A.TUYẾT

DN có thể phá sản nếu không được định giá

Tương tự, EuroCham rất quan ngại và kính đề nghị Quốc hội và Chính phủ loại bỏ mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi khỏi danh mục bình ổn giá trong dự thảo Luật giá sửa đổi do các lý do sau.

Thứ nhất không phù hợp về khoa học và quản lý rủi ro. Về khoa học dinh dưỡng, khác với trẻ nhỏ sữa là nguồn thức ăn chủ yếu còn sữa chỉ là một phần trong chế độ ăn đa dạng của người lớn, là một phần rất nhỏ trong chế độ ăn của người Việt.

Cụ thể, lượng sữa bình quân tiêu thụ của người Mỹ là 226 kg/năm, Pháp 200 kg/năm thì người Việt chỉ khoảng 27 kg/năm, tương đương 74 ml sữa/ngày, cung cấp khoảng 54 kcal /ngày, tức 2,7% nhu cầu năng lượng...

Thứ hai, ảnh hưởng xấu đến sản xuất-kinh doanh và môi trường đầu tư, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay.

Các biện pháp bình ổn giá như đăng ký giá, kê khai giá gây nhiêu khê gây tốn kém thời gian, công sức của DN cũng như tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư, tăng thêm thủ tục hành chính.

Nghiêm trọng hơn, do ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng hậu COVID-19, xung đột Nga-Ukraine khiến giá tăng rất cao và kéo dài gồm cả nguyên liệu sữa và thành phẩm sữa nhập khẩu đang ảnh hưởng trầm trọng đến các DN sữa. Nếu không được tự định giá sản phẩm theo tình hình thị trường nhiều DN có thể phá sản.

Thứ ba, việc mở rộng các hạn chế quyền tự định giá của DN mà không có báo cáo tác động đầy đủ cũng như không lấy ý kiến đối tượng bị tác động.

Điều này sẽ có nguy cơ tác động sai lệch lên thị trường, ảnh hưởng đến các cam kết thị trường tự do của Việt Nam với các nước.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dong-loat-de-nghi-khong-dua-sua-cho-nguoi-gia-vao-dien-binh-on-gia-post734612.html