Đồng lòng, chung sức cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới
Hậu Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đây lại là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những nguyên nhân đem đến kết quả đó là nhờ sự chung tay, góp sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang.
Nông thôn khoe sắc
Cuối tháng 3, thời tiết Nam Bộ thật khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập ruộng đồng, cây cối khô héo. Ấy vậy mà, hai bên đường ở các vùng quê của Hậu Giang các loài hoa do người dân trồng vẫn khoe sắc, thật đẹp. Chúng tôi cùng Thiếu tá Phạm Hoàng Minh, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Châu Thành A (Hậu Giang) trở về thăm xã Tân Hòa, một xã mà trước đây đơn vị đã cùng chung tay với bà con xây dựng NTM. Đường đến trung tâm xã có cảnh quan, môi trường sạch, đẹp. Hai bên đường, người dân trồng đủ các loại hoa. Vừa đi, chúng tôi vừa được anh Dương Quốc Duy, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa cho biết: "Tân Hòa trước đây vẫn còn nhiều khó khăn do chủ yếu làm nông nghiệp, đường làng, ngõ xóm cây cối mọc um xùm, hệ thống kênh mương đầy rác, bờ kè bị sạt lở nghiêm trọng, một số tiêu chí để trở thành xã NTM không đạt…".
Đứng trước khó khăn đó, cùng với sự chủ động của lãnh đạo địa phương, Ban CHQS huyện Châu Thành A đã điều lực lượng thường trực, lực lượng dân quân cơ động về địa phương, vừa huấn luyện, vừa giúp địa phương mở rộng tuyến đường tới trung tâm xã, làm vệ sinh môi trường, kè bờ sông chống sạt lở… Anh em còn về từng nhà vận động, tuyên truyền nhân dân xây dựng cổng rào, trồng hoa trước cửa, làm hệ thống đèn điện thắp sáng đường quê; cùng với địa phương xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, sửa chữa trường lớp… Sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Châu Thành A mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ đời sống nhân dân được nâng lên, mà hết quý 1-2019, xã Tân Hòa đã được công nhận là xã NTM của tỉnh Hậu Giang.
Trao đổi với chúng tôi về công tác chung tay xây dựng NTM của LLVT tỉnh Hậu Giang thời gian qua, Đại tá Huỳnh Việt Trung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang cho biết: "Hậu Giang là tỉnh thuần nông, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, hộ nghèo còn gần 5%, cơ sở hạ tầng hạn chế; khả năng đầu tư cho phát triển công nghiệp chưa nhiều; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân gặp nhiều khó khăn; người dân địa phương (trong đó có cả lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ) tập trung lên các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm còn nhiều… Chính vì vậy, để chung tay, góp sức cùng chính quyền địa phương vượt qua khó khăn, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh xác định: Thực hiện tốt việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với phong trào thi đua xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Từ đó, chúng tôi triển khai cho các đơn vị, mỗi nơi kết nghĩa, giúp một xã trong xây dựng NTM".
Nhiều mô hình hiệu quả
Trong thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang đã xác định cụ thể 5 nội dung LLVT tham gia, gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, đặc biệt là lực lượng DBĐV, DQTV; thực hiện công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, công tác chính sách xã hội; xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể vững mạnh; phối hợp, tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Có rất nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình “Về cùng nhân dân” của Ban CHQS huyện Châu Thành, với phương châm của mô hình là “Mỗi quý một đợt, một ngày một phần việc”. Để thực hiện mô hình này, hằng quý, Ban CHQS huyện xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của các xã, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện và lực lượng dân quân thường trực các xã tham gia giúp một ấp làm công trình phúc lợi xã hội. Hiệu quả từ mô hình này được cấp ủy, chính quyền địa phương rất tín nhiệm, nhân dân tích cực hưởng ứng, càng thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân dân. Mô hình “Chuyển giao khoa học-kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho lực lượng DBĐV”, biện pháp thực hiện của mô hình này là phối hợp với phòng nông nghiệp cấp huyện, hằng quý lồng ghép vào các đợt chi trả phụ cấp trách nhiệm cho quân nhân dự bị, có nội dung hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản để lực lượng này phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao mức sống. Kết quả thực hiện mô hình này, từ năm 2016 đến nay, nhiều quân nhân dự bị được tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và áp dụng thực hiện tại hộ gia đình đạt kết quả tốt, nâng cao thu nhập. Chỉ tính riêng huyện Vị Thủy (đơn vị đề xuất thực hiện mô hình) có 37 quân nhân dự bị áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi làm kinh tế hộ gia đình đạt chất lượng, có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên.
Đến nay, các đơn vị thuộc LLVT tỉnh Hậu Giang đã ký kết tham gia hỗ trợ xây dựng NTM với 28/31 xã đạt chuẩn; tham gia trên 32.000 ngày công, hỗ trợ 537 phương tiện và số tiền hơn 760 triệu đồng, tặng hơn 2.700 giống vật nuôi các loại, xây dựng 436 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội…
Đánh giá về thực hiện Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM” của LLVT tỉnh Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng: "Với sự tham gia tích cực, bằng những biện pháp, cách làm hay của Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang trong tham gia xây dựng NTM thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo của vùng quê giàu truyền thống cách mạng, giúp địa phương từng bước vượt qua khó khăn, không ngừng hội nhập và phát triển, góp phần quan trọng xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, nhất là củng cố thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, luôn xứng đáng là lực lượng tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, được nhân dân yêu mến".