Đồng lòng để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng thời hạn
Chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là chương trình hết sức ý nghĩa để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không bị bỏ lại phía sau khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Song, để hoàn thành nhiệm vụ, trung bình mỗi ngày cả nước cần xóa hơn 400 căn nhà. Để đạt được mục tiêu trên, cần sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân.

Ban vận động Quỹ Vì người nghèo Trung ương hỗ trợ nhà đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Hòa Bình, ngày 13/4/2024. Ảnh: Quang Vinh.
Sự đồng thuận của cộng đồng
Sơn La là một trong những tỉnh nghèo của vùng Tây Bắc. Theo thống kê, đầu năm 2025, toàn tỉnh còn khoảng 2.887 hộ có nhu cầu hỗ trợ kinh phí để làm nhà ở với tổng kinh phí trên 160,3 tỷ đồng. Trong đó, 214 hộ là người có công với cách mạng, 343 hộ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, 2.330 hộ là hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là một nhiệm vụ hết sức nặng nề với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và bà con nhân dân các tỉnh Sơn La. Nhưng đến đầu tháng 4/2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La thông báo một tin không thể vui hơn, đó là Sơn La sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà dột nát đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 sắp tới. Ngay từ đầu năm, toàn tỉnh đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ và đã sớm hoàn thành 1.474 nhà. Phần lớn số nhà còn lại đều đang được thi công.
Tại bản Két (xã Tạ Bú, huyện Mường La), bà Lò Thị Chôm và người con gái khuyết tật, thường xuyên đau ốm vừa chia tay căn nhà gỗ ọp ẹp, có thể đổ bất cứ lúc nào để chuyển đến ngôi nhà cấp 4 còn vương mùi sơn mới. Nhận bàn giao nhà mới, bà Chôm xúc động nói: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và Mặt trận cùng bà con trong bản đã chung tay, góp sức để tôi có được căn nhà kiên cố. Từ nay không còn lo sợ mỗi khi trời mưa to, gió lớn nữa”. Nụ cười của những cán bộ Mặt trận cũng rạng rỡ hơn cùng với niềm vui của bà con.
Ở khu vực Tây Nguyên, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã xây mới và sửa chữa 796 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người có công với cách mạng về nhà ở, trị giá hơn 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát, năm 2025, toàn tỉnh Đắk Nông phải xây dựng, sửa chữa 1.755 căn. Trong đó, nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 532 căn; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 538 căn... Dù nhận được hỗ trợ của Trung ương qua nhiều kênh khác nhau, nhưng nguồn lực huy động tại chỗ vẫn là rất lớn. Ngay từ đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh - Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Đắk Nông đã ký ban hành Chương trình số 92 ngày 15/1/2025 về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong đó, trước ngày 31/12/2025, tỉnh sẽ hoàn thành toàn bộ việc xóa nhà dột nát.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đắk Nông rà soát danh sách gia đình cần hỗ trợ, phân bổ nguồn lực hợp lý, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng tổ chức đoàn thể. Các đơn vị quân đội, công an, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng, nhận những phần việc khó để cùng nhân dân trong tỉnh hiện thực hóa mục tiêu. Trong đó, MTTQ các cấp vai trò cầu nối, đoàn kết những tấm lòng để từ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, sức mạnh được nhân lên, giúp người dân có những ngôi nhà mới là kết quả của hỗ trợ từ Trung ương và của cộng đồng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông Hà Thị Hạnh cho biết: “Với hình thức giúp đỡ đa dạng, thiết thực, phù hợp, các cấp Mặt trận đã và đang góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương, đồng thời tiếp thêm tinh thần, động viên, cổ vũ người nghèo vươn lên trong cuộc sống, trong đó, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết là minh chứng rõ nét nhất”. Những kinh nghiệm trong xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết được phát huy trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Trong đó, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò giám sát để bảo đảm việc hỗ trợ đúng người đúng đối tượng, sử dụng quỹ hỗ trợ đúng mục đích, nhà cửa xây dựng bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định…
Tăng tốc về đích sớm
Chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là một chương trình hết sức ý nghĩa để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không bị bỏ lại phía sau khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Chương trình càng có ý nghĩa hơn khi năm năm 2025 có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, sự kiện quan trọng như tổ chức Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Chưa bao giờ, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có những chuyển biến mạnh mẽ như hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn thành từ năm 2024. Song, những tỉnh còn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… kết quả cũng hết sức khả quan, điển hình như Sơn La, Đắk Nông, Hà Giang, Hà Tĩnh và một số tỉnh khác cho thấy nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như thành quả to lớn mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã đạt được.
Dù đặt mục tiêu cuối năm, nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, đến mốc ngày 31/10/2025, các địa phương phải cơ bản hoàn thành xóa 223.164 nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay kết quả xóa nhà dột nát là hết sức khả quan, song nhiệm vụ còn lại là nặng nề, khó khăn. Do đó yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; phân công 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm” và phát huy tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có công giúp công, ai có của giúp của”. Bên cạnh đó, huy động sức người, sức của tại địa phương, sự giúp đỡ của người dân, họ hàng, làng xóm, các tổ chức đoàn thể để quyết tâm đạt mục tiêu đã đề ra trong xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thủ tướng đề nghị các thành phố lớn, địa phương đầu tàu về kinh tế như Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… cần hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn trong thực hiện chương trình.
Về phía UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và phân bổ đến các tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác vận động huy động nguồn lực, giám sát việc phân bổ, xây dựng bảo đảm mục tiêu chương trình đặt ra.
Cả nước đã hỗ trợ xóa 189.243 căn nhà tạm, nhà dột nát
Thông tin từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho hay, đến thời điểm hiện nay, cả nước đã hỗ trợ xóa được 189.243 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó khánh thành 92.291 căn và khởi công mới 96.952 căn. Trong tổng số 189.243 căn nhà nói trên, có 18.024 căn là hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng; 64.900 căn là hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 106.319 căn là hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Như vậy, tính từ ngày 29/3 đến ngày 4/4, cả nước tăng khoảng 21.000 căn (hoàn thành và xây mới); bình quân mỗi địa phương hỗ trợ 48 căn/ngày. Riêng với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho hay, theo số liệu báo cáo của các địa phương, các tỉnh này đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 40.128 căn, trong đó khánh thành 16.856 căn và khởi công mới 23.272 căn. Hiện nay, đã có thêm 6 địa phương quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp tỉnh là Lạng Sơn, Hậu Giang, Bình Phước, Bến Tre, Sơn La, Đồng Nai. (M.K.)