Đồng lòng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa. Bài 3: Tiếp tục thực hành triệt để hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, những năm qua toàn tỉnh luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác này bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, PCTN, tiêu cực là một trong những công tác vô cùng gian khó đòi hỏi các cấp, ngành, đơn vị và toàn xã hội phải bền bỉ, không khoan nhượng và không ngừng nâng cao khả năng, trình độ, điều kiện của mình để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vẫn còn những khó khăn, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những khó khăn hạn chế, đó là: công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu sót nên xảy ra sai phạm, khuyết điểm trong thực thi công vụ. Việc triển khai các giải pháp PCTN, tiêu cực ở một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ nội dung, hiệu quả còn thấp. Nội dung kiểm tra, thanh tra về công tác PCTN, tiêu cực chưa nhiều. Công tác tự giám sát, kiểm tra để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp; nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.

Người dân xã Thanh An, Cam Lộ tham gia giám sát và xây dựng các công trình giao thông nông thôn đảm bảo chất lượng – Ảnh: HVA

Người dân xã Thanh An, Cam Lộ tham gia giám sát và xây dựng các công trình giao thông nông thôn đảm bảo chất lượng – Ảnh: HVA

Lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp và PCTN, tiêu cực là lĩnh vực khó, phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều quy định của Đảng, Nhà nước. Quy định bảo vệ người phát hiện, người tố giác, đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực hiện hành chưa thật sự tạo niềm tin vững chắc để người dân an tâm, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh PCTN, tiêu cực nên chưa khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tham gia tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ làm công tác PCTN, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức. Cán bộ làm công tác PCTN, tiêu cực tại các cơ quan, đơn vị chưa có đủ thực quyền để điều tra, xác minh, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong quá trình triển khai kê khai tài sản, thu nhập đối với việc kê khai bổ sung một số nội dung ở nghị định và luật chưa quy định rõ, còn có nhiều cách hiểu khác nhau nên gây khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực tại một số đơn vị, địa phương chưa sâu rộng, chưa mang lại hiệu quả tích cực, chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của xã hội và Nhân dân trong công tác PCTN, tiêu cực. Một số đơn vị, địa phương, cơ quan chưa làm tốt công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN của một số ngành, đơn vị, địa phương còn chậm, chất lượng còn hạn chế...

UVTVTU, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ly Kiều Vân nhấn mạnh: Thời gian tới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, công tác PCTN, tiêu cực còn không ít khó khăn, thách thức... Vì vậy, mỗi cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, chủ động, tích cực học tập, quán triệt sâu sắc, toàn diện, triệt để đường lối, chủ trương, sách lược và biện pháp của Đảng trong PCTN, tiêu cực để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực, tạo được niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững.

Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ nguyên nhân như: hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực chưa đồng bộ, có những bất cập nhất định dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng khi xử lý, giải quyết các vụ việc; các quy định cụ thể về PCTN, tiêu cực chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, thiếu các quy định và biện pháp cần thiết cho công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng; cơ chế, chính sách để kiểm soát tài sản, thu nhập, nguồn gốc tài sản, thu nhập và giải pháp để răn đe chưa đủ mạnh và hiệu quả.

Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý. Việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ dẫn đến phát sinh tình trạng tiêu cực. Vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, còn hạn chế; quyết tâm chính trị về PCTN, tiêu cực chưa thực sự trở thành hành động tự giác của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội; tính gương mẫu của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa được phát huy ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của công tác PCTN, tiêu cực. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ PCTN, tiêu cực chưa đủ mạnh, mô hình tổ chức chưa thống nhất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới dừng lại ở quy định chung, thiếu các quy định cụ thể, quyền hạn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Vẫn còn tình trạng một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện hoặc thực hiện còn chậm trong xây dựng chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác PCTN, tiêu cực...

Tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn công tác PCTN, tiêu cực

Với quyết tâm chính trị cao, để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác PCTN, nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, hội đoàn thể tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp đó là: tiếp tục quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận của trung ương, của tỉnh về PCTN, tiêu cực, trước hết là trong cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng đưa công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trở thành khâu đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN, tiêu cực. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực; chủ động tự phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với các trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó tập trung thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan; xây dựng, thực hiện định mức tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; kê khai tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn.

Các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Chủ động thông tin kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; thông tin về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong đấu tranh PCTN, tiêu cực gắn với việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thu hồi tài sản các vụ án, vụ việc đã được phát hiện. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí thiết thực, hiệu quả; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra và phối hợp giữa các cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cơ quan thanh tra. Các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vụ án có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh tiếp tục nắm vững, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác theo quy định. Cơ quan thường trực và các cơ quan, đơn vị, địa phương củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng lực lượng cán bộ, công chức làm công tác PCTN, tiêu cực đảm bảo số lượng, chất lượng; thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công tác; đồng thời trang bị, đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội và Nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan chức năng trong PCTN, tiêu cực; phát hiện, tố giác những hành vi tham nhũng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, không để xảy ra “điểm nóng”.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chính quyền số, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Quan tâm, tạo điều kiện về tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan thực hiện chức năng PCTN, tiêu cực để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN, tiêu cực, nâng cao chất lượng báo cáo của các tổ chức, cơ quan, đơn vị để đảm bảo đầy đủ thông tin, phục vụ kịp thời cho sự chỉ đạo, điều hành công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Những nỗ lực, quyết tâm hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác PCTN, tiêu cực đang tạo sự cộng hưởng, tạo thành sức mạnh đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để bảo vệ những thành quả trong quá trình xây dựng và phát triển nền KT-XH của tỉnh, đưa tỉnh phát triển đạt các chỉ tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Thái Hòa – Xuân Hợp

Bài 4:Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/dong-long-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-tu-som-tu-xa-nbsp-bai-3-tiep-tuc-thuc-hanh-triet-de-hon-nua-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc/180169.htm