Đồng lòng, quyết tâm phòng, chống dịch COVID-19: Bài cuối - Vừa phòng ngự vừa chủ động tấn công
Với phương châm tiếp tục tăng cường tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, triệt để các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện phòng chống dịch từ xa, từ sớm với tinh thần 'chống dịch như chống giặc', Thanh Hóa đã chuyển trạng thái từ phòng ngự sang vừa phòng ngự vừa chủ động tấn công dịch mạnh mẽ, có hiệu quả cao, tiết kiệm nhân lực, chi phí; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của Nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho công dân tại các khu cách ly tập trung được quan tâm chú trọng.
Trong thời gian qua, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các ngành đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19: Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, đáp ứng thần tốc. Vì vậy trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây số ca COVID-19 tiếp tục tăng và có xu hướng lây lan thứ phát trong cộng đồng, đặc biệt xuất hiện ổ dịch phức tạp tại xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn với 3 ca bệnh; ổ dịch với 29 ca nhiễm chéo là các công dân Việt Nam trở về từ Thái Lan, cách ly tập trung tại khu cách ly Trung đoàn 762 (phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa). Do vậy, Thanh Hóa đã nâng cấp độ phòng, chống dịch lên mức cao hơn.
Như chúng ta đều biết, diễn biến của dịch COVID-19 rất phức tạp, biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư tập trung, có nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, đòi hỏi phải có biện pháp mạnh hơn, chủ động hơn và tấn công mạnh mẽ hơn để chống dịch vì sức khỏe Nhân dân. Với phương châm tiếp tục tăng cường tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, triệt để các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện phòng chống dịch từ xa, từ sớm với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thanh Hóa đã chuyển trạng thái từ phòng ngự sang vừa phòng ngự vừa chủ động tấn công dịch mạnh mẽ, có hiệu quả cao, tiết kiệm nhân lực, chi phí; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của Nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ở 3 đợt phòng, chống dịch COVID-19 trước đây, khi phát hiện ca mắc mới, cả hệ thống chính trị “ra trận”, “chống dịch như chống giặc”, khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng và nhanh; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng... Nhưng với “làn sóng dịch thứ 4” này, Thanh Hóa đã chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang vừa phòng ngự vừa chủ động tấn công.
Chủ động tấn công thể hiện trên phương diện, Thanh Hóa đã chủ động kiểm soát chặt chẽ người dân từ các tỉnh, thành phố đi đến, trở về Thanh Hóa; rà soát, thống kê, báo cáo hàng ngày tất cả người địa phương đang ở các tỉnh, thành phố khác và ở nước ngoài để chủ động phân loại đối tượng nguy cơ mắc COVID-19, bảo đảm giám sát, theo dõi từ sớm để có biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay khi công dân trở về địa phương.
Tại huyện Yên Định, do làm tốt công tác nắm bắt con em địa phương từ tỉnh ngoài về nên đã chủ động trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, khi có ca bệnh F0, không có F1. Bà Ngô Thị Đặng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Định, cho biết: Khi nắm được thông tin người từ tỉnh ngoài về, địa phương đã liên lạc, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực hiện khai báo y tế ngay khi trở về địa phương. Vì thế trường hợp bệnh nhân nam ở xã Yên Trung, sinh năm 1976, được Bộ Y tế định danh là BN26021, có yếu tố dịch tễ đón người nhà đi trên chuyến bay VN216 (TP Hồ Chí Minh - Hà Nội) về Hà Nội, sau khi người nhà quay trở vào TP Hồ Chí Minh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân đã đi xe riêng từ Hà Nội về thẳng Trạm Y tế xã Yên Trung khai báo y tế và được cách ly luôn tại trạm y tế. Tối 8-7-2021 được kiểm tra nhiệt độ và phát hiện sốt nhẹ. Sáng 9-7-2021 bệnh nhân được chuyển bằng xe chuyên dụng xuống Bệnh viện Phổi Thanh Hóa cách ly, điều trị theo quy định. Chiều tối ngày 9-7-2021 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trên địa bàn huyện không ghi nhận trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân này.
Chủ động tấn công còn thể hiện trên phương diện chủ động kiểm soát an toàn trong các khu công nghiệp, nhà máy theo phương châm “1 đường đi, 2 điểm dừng”; quán triệt doanh nghiệp yêu cầu công nhân chỉ đến công ty, nhà máy làm việc, về nhà chỉ ở nhà không tiếp xúc với ai trong giai đoạn dịch đang diễn biến phức tạp hiện nay. Nâng cao hơn một mức cách ly theo chiến thuật “21/14/2”: Đó là thực hiện cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người đi, đến, trở về từ các điểm dịch, điểm thông báo khẩn, khu phong tỏa, cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện xét nghiệm theo quy định (danh sách các vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế). Thực hiện cách ly tại nhà tối thiểu 14 ngày tất cả những người đến, trở về từ tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đồng Nai, Khánh Hòa và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế. Thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong thời gian tối thiểu 2 ngày kể từ ngày trở về địa phương đối với tất cả những người trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố khác (không liên quan tới các ổ dịch); tự rà soát lịch trình đi lại, sinh hoạt của bản thân, nếu có liên quan đến các thời điểm, mốc dịch tễ, theo thông báo của Bộ Y tế thì phải liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương, khai báo y tế bổ sung để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Khi có ca F0, thần tốc truy vết hết F1 trong vòng 6h, truy vết hết F2 trong vòng 12h; tùy theo tình huống có thể truy vết tiếp F3 nếu F1 có nguy cơ cao. Linh hoạt trong thực hiện phong tỏa khi liên quan đến các ca bệnh; thực hiện phong tỏa tạm thời trong diện rộng, cách ly ở diện hẹp để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tại xã Xuân Giang (Thọ Xuân), sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 BN28502, ngày 11-7, huyện Thọ Xuân đã phong tỏa tạm thời toàn bộ xã Xuân Giang (bao gồm 5 thôn với 1.209 hộ và 4.399 nhân khẩu) để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Sau 1 tuần đánh giá các yếu tố nguy cơ, sáng sớm ngày 18-7, UBND huyện Thọ Xuân đã tổ chức công bố kết thúc việc thực hiện cách ly tạm thời toàn bộ xã Xuân Giang từ 0h ngày 18-7-2021, nhịp sống của người dân trở lại bình thường.
Đồng chí Trịnh Hữu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, trên tất cả, chủ động tấn công cần chủ động về “vũ khí tinh thần”, nghĩa là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân hiểu, nhận thức về mức độ nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Từ đó, mỗi người ý thức được trách nhiệm của bản thân, nghiêm túc chấp hành tốt nhất thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế); thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); khai báo y tế cho người nhập cảnh; hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); cài đặt ứng dụng Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nhiễm COVID-19)... Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095, hoặc đường dây nóng của ngành y tế 0916803115, để được hướng dẫn, hỗ trợ. Cùng với đó, cần tăng cường hơn sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị trên địa bàn, không đợi dịch đến mà phải chủ động chống dịch từ sớm, từ xa, sẵn sàng “tinh thần chủ động tấn công” đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất...
“Trước mắt, cả hệ thống chính trị phải tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị chu đáo các điều kiện, đặc biệt là các khu cách ly tập trung và các địa chỉ cách ly tại gia đình (nếu được cơ quan chức năng khẳng định đủ điều kiện) để tiếp nhận người lao động và người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về địa phương, bảo đảm đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời, chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh COVID-19 có thể xảy ra; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để tiếp cận với nguồn vắc-xin và thực hiện hiệu quả chiến lược vắc-xin trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu mỗi người dân trong tỉnh chủ động cùng các cấp, các ngành làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương, đơn vị và toàn tỉnh là những pháo đài vững chắc mà dịch bệnh COVID-19 không thể xâm nhập” - phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XIX.