Đồng lòng tung S-400 ra tập trận, Nga-Serbia khiến NATO 'bằng mặt nhưng không bằng lòng' và khiến Mỹ bị 'ác mộng' hành hạ?
Khi Serbia và Nga triển khai cuộc tập trận quân sự chung, trong đó có sự xuất hiện của hệ thống tên lửa S-400 của Nga, NATO vẫn tỏ ra bình thản nhưng dường như đây là việc 'bằng mặt nhưng không bằng lòng'.
Theo Gephardtdaily, đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-400 và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Pantsir-S vào cuộc tập trận “Slavic Shield 2019”, quân đội Nga và Serbia muốn thử nghiệm khả năng phòng thủ với các cuộc tấn công trên không.
Serbia tuyên bố sau cuộc tập trận rằng Slavic Shield “đã trở thành hoạt động truyền thống và trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ huấn luyện và học cách để bảo vệ sự tự do của không phận cùng nhau”.
Trong một tuyên bố vào hôm thứ Hai, bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hệ thống Pantsir-S được lắp đặt ở căn cứ quân sự Batajnica gần thủ đô Serbia đã được triển khai thành công vì phá hủy được 2 mục tiêu trên không và 2 mục tiêu mặt đất.
Đây là lần đầu tiên S-400 và Pantsir-S cùng xuất hiện trong cuộc diễn tập quân sự ở ngoài lãnh thổ Nga, bộ Quốc phòng Serbia cho hay đồng thời nói thêm rằng S-400 sẽ được tháo dỡ và chuyển về Nga sau 6 ngày tập trận.
Serbia là đối tác của NATO tuy nhiên không phải là thành viên của tổ chức này và NATO nhấn mạnh rằng Serbia có quyền tự chủ trong quyết định phòng thủ của mình. Serbia vẫn có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga và không ủng hộ việc trừng phạt Nga của các quốc gia phương Tây liên quan đến vấn đề của Nga ở Ukraine.
Một tuyên bố của NATO hồi tháng 3 khẳng định “Serbia đang có thảo luận sâu về chính trị và hợp tác với NATO về vấn đề các lợi ích chung, trong đó tập trung ủng hộ các cải cách về phòng thủ, hiến pháp và dân chủ. Không giống như các đối tác phía Tây Balkan khác, Serbia không gia nhập liên minh này”.
Ngày 25/10, Tổng thống Serbia Alexandr Vucic tuyên bố, nước này muốn sở hữu hệ thống phòng không S-400 do Nga chế tạo, song hiện chưa đủ khả năng mua.
Ông Vucic đưa ra phát biểu trên khi đến thăm sân bay quân sự Bataynitsa gần Thủ đô Belgrade, nơi đang diễn ra cuộc tập trận "Slavic Shield 2019".
Ông xác nhận rằng, nước này đã mua hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S của Nga và nhấn mạnh nguyện vọng của Serbia là muốn sở hữu cả S-400. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Serbia dẫn lời ông Vucic nêu rõ: "Khi mọi người hỏi chúng tôi muốn gì, thì xin thưa chúng tôi muốn có S-400 ngay bây giờ. Nhưng chỉ là nếu người Nga để tổ hợp đó lại cho chúng tôi, bởi chúng tôi chưa thể mua S-400. Đây là những hệ thống đảm bảo an ninh cho nhân dân và quốc gia của chúng tôi, cho các thế hệ tương lai và nếu một ngày nào đó chúng tôi đủ khả năng cho phép thì chúng tôi nhất định mua".
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Lâu nay, Mỹ ra sức ngăn cản các nước đồng minh và nhiều nước trên thế giới mua S-400 vì lo ngại vũ khí này làm ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ của khối NATO. Mỹ từng dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt với các nước mua S-400.