Đồng lòng vượt qua khó khăn
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống và tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, với tinh thần 'dịch bệnh làm khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp ba' như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; cả hệ thống chính trị nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc đã thể hiện quyết tâm, đồng lòng vượt khó.
Ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều phương diện
Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. So với quý I năm 2019, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm 17,66%; giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 961 tỷ đồng, giảm 8,21%. Riêng ngành công nghiệp chế biến gỗ chịu ảnh hưởng lớn nhất (giảm đến 50% công suất), tiếp đến là chế biến chè, do đơn đặt hàng giảm, sản phẩm tồn kho lớn. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện trong quý I năm 2020 đạt trên 1,3 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ, lên đến 59,86%. Một số dự án đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước thực hiện cầm chừng, do thiếu lao động hoặc phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài (như không nhập khẩu được thiết bị hay chuyên gia người nước ngoài chưa thể nhập cảnh để triển khai dự án)…
Đặc biệt, các lĩnh vực sản xuất như thương mại, dịch vụ, xuất - nhập khẩu, du lịch có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ. Điển hình, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 3 giảm 12,14% so với tháng trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Kéo theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong quý I chỉ đạt 47,9 triệu USD, giảm 52,31% so với cùng kỳ năm 2019. Phương tiện vận tải xuất, nhập khẩu đạt 4.480 lượt, giảm 30% so với cùng kỳ. Các cửa khẩu phụ, lối mở chính thức tạm dừng hoạt động. Đồng thời, hoạt động kinh doanh vận tải gặp khó khăn do hạn chế đi lại. Trong tháng 2 và 3, số phương tiện hoạt động tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh giảm từ 30 – 50%. Kể từ 1.4 đến nay, phương tiện hoạt động tại các bến xe khách ngừng hoạt động. Thực tế này khiến sản lượng vận tải hàng hóa giảm từ 40 – 60% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tổng doanh thu du lịch quý I ước đạt 259 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ.
Không chỉ đối diện khó khăn trên, trong tổng số 1.920 doanh nghiệp với 608 đơn vị trực thuộc đã có 53 doanh nghiệp và 4 đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động; 17 doanh nghiệp và 5 đơn vị trực thuộc giải thể. Đến đầu tháng 4, có 848 lao động tại 73 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngừng làm việc; do doanh nghiệp không có thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc thiếu chuyên gia nước ngoài… Riêng hoạt động tín dụng, khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay, dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2.027 tỷ đồng/7.386 khách hàng (chiếm 9,3%/tổng đầu tư cho nền kinh tế). Trong đó, chủ yếu là khách hàng thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ với 2.037 khách hàng/1.045 tỷ đồng.
Kiên trì mục tiêu kép
Đối diện với đại dịch Covid-19, tỉnh ta đã huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân vào cuộc, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đến thời điểm hiện tại (ngày 16.4), tỉnh ta đã ghi nhận 1 ca nhiễm Covid-19 tại huyện Đồng Văn, chính vì vậy ngoài các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch, tỉnh ta đã chỉ đạo dừng các nhiệm vụ chi chưa cần thiết và tiếp tục thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công. Rà soát, đánh giá khả năng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; xác định số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 so với tiến độ thu theo kế hoạch giao. Từ đó, kịp thời thực hiện giải pháp điều hành ngân sách trong trường hợp hụt thu. Mặt khác, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi suất cho khách hàng; giảm lãi suất cho nhóm vay mới thấp hơn mức thông thường… Không những vậy, từ 1.4 đến nay, tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức tiếp nhận các thủ tục hành chính theo mức độ 3, 4 (nộp hồ sơ trực tuyến) và trả kết quả trực tuyến hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Điều này hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đáp ứng yêu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân.
Và nay, toàn tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự. Từng bước tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tăng cường theo dõi, đánh giá tình hình và mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 để xây dựng phương án, kịch bản ứng phó kịp thời. Đi liền với đó là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đoàn kết vượt qua khó khăn, kiên trì mục tiêu kép: Chiến thắng đại dịch Covid-19 và hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2020.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202004/dong-long-vuot-qua-kho-khan-758668/