Động lực cho nông dân bứt phá
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1-3-2025 về nâng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên trên 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia thành chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngày 15-4-2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn số 2756/NHNN-TD đề nghị các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chỉ khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, nguồn vốn, tài chính, khoa học, công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu. Cũng do thiếu vốn nên việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phải nhập khẩu…
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, tích tụ đất đai và thị trường tiêu thụ. Trong khi muốn giải quyết những vấn đề này, cần có các giải pháp đồng bộ và tiếp cận đa ngành, đặc biệt là các biện pháp tài chính mới thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh và thân thiện với môi trường.
Minh chứng cho thấy, gần đây, thời tiết trên địa bàn Bình Phước diễn biến bất thường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Đó là mưa lớn trái mùa kéo dài vào thời điểm cây điều ra bông dẫn đến khô bông, rụng trái làm mất mùa điều diện rộng; nắng nóng kéo dài, dẫn đến nguồn nước tưới cạn kiệt nên nhiều diện tích cây ăn trái bị khô bông, rụng trái, thậm chí héo úa; dông lốc bất thường làm hàng chục héc-ta cây ăn trái gãy đổ; các loại dịch bệnh trên gia súc tăng mạnh… Tình trạng này không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi mà còn kéo theo nhiều hợp đồng xuất khẩu nông sản của tỉnh bị ngưng trệ, dẫn đến thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hiện hầu hết hội viên, nông dân, hợp tác xã đều mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tái thiết và phục hồi sản xuất sau thiên tai, hạn hán. Trong đó nổi lên các vấn đề lớn như đầu tư mua cây, con giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp… Đặc biệt, hội viên nông dân và các hợp tác xã đều mong muốn được tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ và cho vay nguồn vốn mới đối với những hộ dân bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, hạn hán, giúp nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Thực tế nêu trên khẳng định, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình tín dụng trên 100.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trong thời điểm này là vô cùng cần thiết, là động lực để nông nghiệp, nông thôn bứt phá. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ mang lại hiệu quả thiết thực, ưu tiên hàng đầu là cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho sản xuất nông, lâm, thủy sản, thậm chí ưu tiên mức lãi suất thấp cho các dự án nông nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Đồng thời hỗ trợ các hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn với thời hạn vay dài hơn để đầu tư vào công nghệ, giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171652/dong-luc-cho-nong-dan-but-pha