Tìm hướng đi mới cho khu công nghiệp
Những lo ngại về thuế đối ứng từ Mỹ dù tạm thời được gác lại, song các chủ đầu tư khu công nghiệp trong nước vẫn phải giải nhiều bài toán khác trong việc đa dạng hóa thị trường, cũng như tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Các khu công nghiệp sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh: Bình Minh.
Tìm thêm thị trường mới
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại, bao gồm cả Việt Nam. Các lo ngại về thuế đối ứng dù tạm thời được gác lại, nhưng sự kiện lần này cũng đặt ra những đòi hỏi về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu lớn này.
Cả trong ngắn hạn và dài hạn, lo ngại về thuế quan có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), bao gồm nguồn vốn mới lẫn giữ chân nhà đầu tư cũ.
Do đó, ngoài các chính sách mang tầm vĩ mô của Chính phủ, các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng cần có những bước ứng xử linh hoạt để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, thu hút FDI được cho là sẽ chịu nhiều tác động trước các chính sách thuế quan mới của Mỹ, trong đó phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để thu hút khách thuê, tăng tỷ lệ lấp đầy…
Với các khu công nghiệp, vấn đề đặt ra hiện tại là căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ tác động ra sao đến dòng vốn đầu tư? Các nhà phát triển dự án - kinh doanh hạ tầng phải ứng phó thế nào để giữ chân khách thuê?…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Công Trụ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietnam Solution cho rằng, trước mắt, các chủ đầu tư khu công nghiệp cần tập trung vào việc hỗ trợ khách thuê về giá cả, chủ yếu là giá thuê đất và giá dịch vụ.
Tiếp đó, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới là vô cùng cần thiết và các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng phải thực hiện điều này để hỗ trợ khách thuê trong việc kết nối thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, giúp họ gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, đàm phán kinh doanh, tìm kiếm đầu ra mới cho sản phẩm, hàng hóa; tăng cường liên kết để có được các chương trình xúc tiến đầu tư một cách tập trung và có hiệu quả…
Về vĩ mô, ông Trụ cho rằng, để hỗ trợ các khu công nghiệp, Chính phủ có thể giảm, miễn thuế cho nhà đầu tư, song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, yếu tố căn cơ vẫn phải là tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới thay thế.
“Trong bối cảnh cạnh tranh tương quan toàn cầu như hiện tại, chúng ta buộc phải tìm đến các thị trường xuất khẩu mới, các nguồn FDI mới để tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường lớn. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu vào Mỹ có thâm hụt thương mại lớn cũng phải đa dạng hóa thị trường thông qua việc tăng cường tìm kiếm các thị trường mới”, ông Trụ nhấn mạnh.
Tin ở khả năng xoay chuyển tình thế
Theo ông Phạm Văn Nam, chuyên gia bất động sản công nghiệp từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam, những năm qua, có nhiều nhà đầu tư sang Việt Nam để tận dụng lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nhưng những diễn biến căng thẳng về thương mại toàn cầu, đặc biệt là câu chuyện về thuế suất và chiến tranh thương mại, đang làm thay đổi tất cả.
Nếu căng thẳng thương mại gia tăng, việc dịch chuyển sẽ không còn mang nhiều ý nghĩa, nên sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Tuy nhiên, ngay cả khi không có câu chuyện thuế quan, việc đa dạng hóa thu hút đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ cũng là điều cần thiết.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin vào triển vọng phát triển của Việt Nam.
“Năm 2025 dự báo sẽ là năm khó khăn, các khu công nghiệp sẽ cần phải thích ứng một cách linh hoạt, có thể đến từ việc đa dạng hóa trong thu hút dòng vốn, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tăng sức cạnh tranh…
Nói là vậy, nhưng việc thu hút các dòng vốn mới là không dễ dàng. Cái khó hiện tại là nhiều quốc gia đều nghĩ đến việc thay đổi thị trường, nên cạnh tranh trong thu hút đầu tư sẽ rất lớn.
Ngoài ra, các nhà đầu tư khi dịch chuyển chuỗi cung ứng đều nhắm đến các thị trường cụ thể. Ví dụ, nhà đầu tư sang Việt Nam để hướng đến thị trường Mỹ, còn các thị trường châu Âu hay những thị trường khác họ vẫn có hệ thống cung ứng, nên việc ‘kéo’ họ về Việt Nam là không đơn giản”, ông Nam phân tích.
Điểm tích cực là theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư và các định chế nước ngoài, Việt Nam đã và đang thực hiện cải tổ mạnh mẽ bộ máy và thủ tục hành chính, từ đó mang đến nhiều kỳ vọng tích cực trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
“Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các cải cách nội bộ và đối mặt với những thách thức bên ngoài, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin vào triển vọng phát triển của quốc gia. Sức bền của nền kinh tế Việt Nam không chỉ dựa vào những con số tăng trưởng, mà còn ở khả năng thích ứng cả về mặt cơ cấu nội bộ lẫn chiến lược đối ngoại trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động”. Đây là chia sẻ từ ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch EuroCham (cũng là Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C - phụ trách thị trường Việt Nam từ năm 2018) trong Báo cáo khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam.
Chủ tịch EuroCham cho hay, lâu nay, các doanh nghiệp châu Âu luôn đánh giá cao sự linh hoạt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, điều này được củng cố qua cách tiếp cận tinh tế nhưng quyết đoán của Chính phủ trước những thách thức toàn cầu.
Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tiếp tục đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng căng thẳng thương mại toàn cầu. Khoảng 2/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ quan điểm “trung lập” - tức là không quá lạc quan, cũng không quá lo ngại.
Cũng theo khảo sát trên, có tới 68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết sẽ tiếp tục giới thiệu Việt Nam như là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất khu vực - thể hiện cam kết dài hạn trong việc đầu tư vào Việt Nam.
Chiến dịch tinh giản bộ máy hành chính của Việt Nam cũng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài với kỳ vọng sẽ có những bước tiến rõ rệt trong thời gian tới, bao gồm chuyển đổi sang hệ thống nộp và phê duyệt hồ sơ điện tử, đẩy nhanh thời gian xử lý thủ tục hành chính, trao quyền chủ động nhiều hơn cho chính quyền địa phương…
Về chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố, hơn 40% doanh nghiệp châu Âu tin rằng, những thay đổi này có thể giúp nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính và giảm bớt sự phức tạp trong việc tuân thủ các quy trình, thủ tục.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tim-huong-di-moi-cho-khu-cong-nghiep-post367323.html