Động lực cho thị trường chứng khoán vẫn tích cực
Các chỉ số vĩ mô tích cực trong tháng 10 được coi là một trong những lực kéo niềm tin của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index tuần qua tăng điểm sau khi điều chỉnh giảm trong tuần trước đó.
Nhiều ngành tăng trưởng tốt
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2020 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019 và gấp đôi mức tăng của 10 tháng đầu năm là 2,7%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính, với mức tăng 8,3% trong tháng 10, trong đó, sản xuất thuốc tăng 25,3%, sản xuất kim loại tăng 15,2%, sản xuất sản phẩm điện tử tăng 16,8%...
Bên cạnh đó, bán lẻ tiếp tục phục hồi trong tháng 10 và đạt mức tăng 6,12% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ tháng 2. Tính chung 10 tháng, ngành này tăng 1,27%, nhưng tổng mức bán lẻ loại trừ lạm phát giảm 3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lạm phát vẫn được kiểm soát, CPI tháng 10 chỉ tăng 0,09% so với tháng 9, giúp CPI 10 tháng chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Thương mại hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trong tháng 10, lần lượt là 9,9% và 10,1% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng đầu năm, nhập khẩu tăng 0,4%, xuất khẩu tăng 4,7%. Thặng dư thương mại đạt khoảng 2,2 tỷ USD trong tháng 10, nâng lũy kế 10 tháng lên mức kỷ lục mới với 18,72 tỷ USD.
FDI cho dấu hiệu tích cực hơn. FDI đăng ký cấp mới và đăng ký thêm trong tháng 10 phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9, nâng tổng giá trị kể từ đầu năm lên 17,37 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với cùng kỳ.
Vốn FDI giải ngân cũng phục hồi dần về mặt bằng năm 2019, lũy kế 10 tháng đầu năm 2020 đạt 15,8 tỷ USD, chỉ giảm 2,5% so với cùng kỳ. Ngành chế biến, chế tạo nhận được lượng vốn FDI cao nhất, chiếm 45,7% vốn đăng ký, tiếp theo là năng lượng (20,5%), bất động sản (15%) và bán lẻ (5,8%).
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% cộng với nỗ lực ổn định tỷ giá, giảm nợ công xuống mức 56,1% GDP vào năm 2019 đã tạo ra các tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất, chất lượng.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện
Năm nay, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, tuy nhiên, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng trong khu vực và thế giới khi GDP tăng trưởng dương, ước đạt 2%. Hàng loạt giải pháp, chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm thực hiện mục tiêu kép là “chống dịch như chống giặc”, đồng thời tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng kinh tế đang dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất, chất lượng.
Báo cáo trước Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét; khung chính sách, pháp luật trong hoạt động đầu tư công được hoàn thiện và nâng cao; hệ thống hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển; việc triển khai chiến lược xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, xuất siêu 5 năm liên tiếp, 10 tháng đầu năm 2020 xuất siêu kỷ lục, đạt trên 18,7 tỷ đồng…
Các yếu tố này hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chủ tịch VCCI nhìn nhận, công cuộc phòng chống tham nhũng bước đầu đạt kết quả rõ nét và cải cách thể chế được đẩy mạnh đã góp phần tạo lập môi trường kinh doanh liêm chính, công bằng với chi phí thấp cho doanh nghiệp.
Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt cải cách thủ tục hành chính để có thể cắt giảm hàng ngàn giấy phép con, cắt giảm và đơn giản hóa 50 - 60% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành và hiện nay tiếp tục phát động, cắt giảm và đơn giản hóa tiếp 20% các quy định về hành chính có liên quan tới kinh doanh.
Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 tạo ra nhiều khó khăn, thách thức, nhưng một số ngành đã thích ứng tốt với bối cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19.
Đơn cử, trong ngành chăn nuôi, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu 2.550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu gần 387 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, lần lượt tăng 41% và gấp 20 lần cùng kỳ năm 2019. Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco hồi phục mạnh khi lợi nhuận thu về hơn 30 tỷ đồng so với kết quả thua lỗ của cùng kỳ năm ngoái…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp đã khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Trong quý IV/2020, toàn ngành phấn đấu thực hiện mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, không ít ngành và doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất - kinh doanh khiến doanh thu, lợi nhuận suy giảm.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực thủy sản, dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước tháng 9 đạt 826,31 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng những doanh nghiệp đầu ngành như Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đạt doanh thu 2.781 tỷ đồng trong quý III, giảm 15% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 166 tỷ đồng chủ yếu nhờ được chia cổ tức và nhận lãi tiền gửi.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu công ty mẹ ở mức 6.618 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 409 tỷ đồng, cùng giảm 15% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp khác trong ngành như Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Thực phẩm Sao Ta, Camimex Group cũng có kết quả kinh doanh giảm sút trong quý III/2020.
Kỳ vọng giải pháp đột phá
Nghị trường Quốc hội đang “nóng” với những đề xuất của các đại biểu nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu có diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, phát triển kinh tế phải dựa vào đầu tư, đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, phát triển các tập đoàn lớn làm trụ cột trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng; ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ; huy động các nguồn lực vốn lớn cho đầu tư phát triển…
Theo ông Cường, Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn thu hút FDI có chọn lọc và tỷ lệ nợ công giảm, do đó cần tính đến chiến lược huy động nguồn vốn bên ngoài để các doanh nghiệp trong nước vay đầu tư, kinh doanh, việc này sẽ hiệu quả hơn so với việc dựa vào nguồn vốn đầu tư FDI.
Đánh giá đầu tư cho ngành nông nghiệp thời gian qua quá thấp so với nhu cầu, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) kiến nghị, cần có sự thay đổi trong vấn đề đầu tư, đặc biệt là đầu tư hạ tầng để chuyển đổi sang ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm 2021, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) kiến nghị, ưu tiên phát triển du lịch, khai thác tiềm năng đặc biệt này.
Bên cạnh đó, năng suất lao động xã hội đang mất cân đối, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp, xây dựng.
Chìa khóa để nâng cao năng suất lao động là phải phát huy các yếu tố thị trường và hoàn thiện vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân.
Còn Chủ tịch VCCI kiến nghị, tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khơi thông các luồng vốn đầu tư. Mặt khác, Việt Nam đang có làn sóng đầu tư nước ngoài, bản chất của làn sóng này là chuyển dịch công nghiệp hỗ trợ.
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng dự luật về công nghiệp hỗ trợ để trình Quốc hội ban hành, nhằm thúc đẩy ngành này phát triển.