Động lực cho văn học nghệ thuật Cố đô
Lần thứ 7 tổ chức, Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Cố đô (2018 - 2023) tiếp tục thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ (VNS) xứ Huế. Theo kết quả cuối cùng của Hội đồng chung khảo, Giải thưởng VHNT Cố đô lần này có 57 giải dành cho 57 tác giả, nhóm tác giả (7 giải A, 18 giải B, 32 giải C).
Là thành viên Hội đồng sơ khảo chuyên ngành kiến trúc, KTS. Phan Thế Đạt, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thừa Thiên Huế cho biết: “Kiến trúc có 7 tác phẩm dự thi, tín hiệu mừng là cả 7 đều đủ điều kiện vào vòng trong. “Người cũ” là 2 tác giả từng đạt giải cao đợt trước, “người mới” chỉ có 1 (sinh 1995), nhưng chúng tôi đánh giá là khá triển vọng”. Như vậy, lần này chuyên ngành kiến trúc tăng về tác giả, tác phẩm; chủ đề tập trung về kiến trúc nhà ở (4 tác phẩm), kiến trúc cảnh quan, nhưng lại thiếu thể loại công trình công cộng. “Đây là điều khá đáng tiếc, nhưng may, tác phẩm dự thi chủ đề về cụm các điểm công trình cảnh quan và tiện ích công cộng bờ sông Hương đã góp phần thay đổi cảnh quan hai bờ sông Hương, đẹp hơn trong thời gian gần đây. Đó là một sự bù đắp đáng mừng”, KTS. Thế Đạt chia sẻ. Cũng chính cụm công trình “Các điểm kiến trúc cảnh quan và tiện ích công cộng bờ Sông Hương” của KTS. Nguyễn Xuân Minh là tác phẩm đã đoạt giải A của chuyên ngành kiến trúc.
Múa có 15 tác phẩm dự thi thì vòng sơ khảo loại 3, nhưng so với trước, chất lượng tác phẩm lần này chuẩn hơn, tập trung nội dung và có chủ đề hay. Đã có 6 tác phẩm, tác giả đoạt giải, trong đó tác phẩm “Thanh trà hiến quả” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế giành giải A. Theo NSND. Phan Thị Bạch Hạc, Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các hội VHNT Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa, Hội đồng sơ khảo luôn “khuyến khích các tác phẩm xây dựng từ chất liệu của múa truyền thống và nâng cao từ hệ thống múa cung đình”. Hướng tới việc phục vụ cho các lễ hội, đặc biệt là những lễ hội Festival Huế trong tương lai, các biên đạo trẻ cũng được quan tâm hơn.
Trong lĩnh vực mỹ thuật, “Đêm Hoàng cung” của họa sĩ Nguyễn Đình Dàng giành giải A. Đánh giá chung, các tác phẩm lần này khá đa dạng về thể loại (hội họa giá vẽ, điêu khắc tượng tròn, phù điêu...) với nhiều chất liệu, như sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, phù điêu gò kim loại... Phong cách sáng tác chủ đạo là ấn tượng, bán trừu tượng, tả thực..., chủ đề đa dạng, từ ca ngợi văn hóa truyền thống, hoài cổ, tự sự đến những vấn đề của đời sống đương đại, ca ngợi vẻ đẹp con người... Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật chia sẻ: “Lứa tuổi của các tác giả khá phong phú, từ các tên tuổi “quen mặt”, tác giả trẻ gần đây được đánh giá là dồi dào năng lực sáng tạo cho đến tác giả rất trẻ đang còn là sinh viên”.
Sân khấu có 6 tác phẩm dự thi, với 3 tác phẩm về đề tài lịch sử nhà Nguyễn, 2 tác phẩm dựa trên những câu chuyện dân gian Việt Nam và 1 tác phẩm đề tài cách mạng. NSND Nguyễn Đình Dũng, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca kịch Huế, thành viên Hội đồng sơ khảo cho biết, các tác phẩm dự thi đều mang âm hưởng thời đại, thế thái nhân tình, chống bất công, chống tham nhũng; về tinh thần yêu nước thương dân của các vị vua Triều Nguyễn…, đều hướng tới chân - thiện - mỹ. Ông cũng thể hiện sự tiếc nuối khi “tham gia giải thưởng năm nay đều là những tác giả đã thành danh, chưa có gương mặt trẻ”. Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế tiếp tục mang về giải A, với tác phẩm “Cá mẻ kho”.
Âm nhạc có 31/38 tác phẩm vào vòng trong, gồm 2 tác phẩm Hòa tấu dàn nhạc dân tộc, 2 Hợp xướng, 1 Giao hưởng Thơ, 1 Tứ tấu, còn lại là ca khúc. Các tác phẩm được nhận định chất lượng, có sự cập nhật theo trào lưu ở từng thể loại, nhất là ca khúc, nhiều bài có tính phá cách của yếu tố đương đại, là nét mới. Nhạc sĩ Lê Quang Vũ là “cái tên mới” nhận được nhiều lời khen ngợi từ 12 thành viên Hội đồng chung khảo. Ca khúc “Thành phố xanh bên dòng Hương giang” của anh đoạt giải A có một dấu ấn của mùa giải VHNT Cố Đô VII, có điểm thành phần cao nhất trong 57 tác phẩm lần này.
Riêng ngành văn học ít nhiều đem lại bất ngờ từ Hội đồng sơ khảo, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phạm Phú Phong, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “So với mặt bằng chung, số lượng tác phẩm về lý luận phê bình năm nay có phần lấn lướt các thể loại khác”. 38 tác phẩm dự thi đều vào vòng trong với nhiều tác phẩm đến từ những gương mặt mới, những “tân binh” của giới văn chương Cố đô. Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, điều ngạc nhiên nhất kỳ này chính là “thơ yếu, văn xuôi mạnh, lý luận phê bình mạnh”, dẫu Cố đô vốn là xứ sở của thơ. Linh hồn của các tác phẩm dự giải là tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước và hồi ức chiến tranh. Văn học có nhiều tác phẩm đoạt giải cao, nhưng giải A thuộc về tác giả Trần Thùy Mai với “Công chúa Đồng Xuân”.
Theo đánh giá chung từ Hội đồng giám khảo, một số chuyên ngành như âm nhạc, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh,… đã xuất hiện nhiều tác phẩm, công trình có giá trị, là những viên gạch góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước. Bên cạnh đó, một số chuyên ngành vẫn bị hạn chế về cả số lượng lẫn chất lượng. Thừa Thiên Huế vốn có thế mạnh nghiên cứu biện khảo về văn hóa, nghệ thuật dân gian (chuyên ngành văn học dân gian), thơ (chuyên ngành văn học), tuồng (chuyên ngành sân khấu),… thế nhưng lần này, các thể loại kể trên lại yếu hơn các kỳ trước rất nhiều. Nhiều chuyên ngành thiếu đi sự đa dạng trong thể loại tác phẩm, công trình.
Tác giả tham gia Giải thưởng Cố đô lần này phần lớn vẫn là những “gương mặt quen”, còn thiếu người mới, người trẻ. Tuy nhiên, vẫn có một số cái tên như Lê Trung Kiên (Mỹ thuật), Lê Tấn Thanh (Nhiếp ảnh), Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Hà Tâm Thuận (Múa), Phan Huy Thành, Trần Thị Thùy Phương (Âm nhạc)... Họ đem đến cho cuộc thi một làn gió mới, một cách nhìn mới về VHNT, nhưng cốt lõi vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, nét đẹp văn hóa của người dân xứ Huế.