Động lực để phụ nữ vùng khó sinh đẻ có kế hoạch

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã quay lưng lại với quan niệm 'đông con, đông của'. Sự đổi mới về tư tưởng ấy bắt nguồn từ hiệu quả của các chính sách dân số, trong đó có chính sách hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo sinh đẻ có kế hoạch.

 Tuyên truyền chính sách dân số - KHHGĐ cho phụ nữ vùng cao. Ảnh: QH

Tuyên truyền chính sách dân số - KHHGĐ cho phụ nữ vùng cao. Ảnh: QH

Ngay từ khi về sống dưới một mái nhà, vợ chồng chị Hồ Thị Tuyên, trú tại thôn Tăng Cô, xã A Túc đã thống nhất với nhau chỉ sinh hai con để nuôi dạy cho tốt. Chị Tuyên chào đời trong một gia đình đông anh em. Bố mẹ chị quần quật lao động nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái khó khiến chị Tuyên không có cơ hội để theo đuổi con chữ. Anh Hồ Văn Hữu, chồng chị Tuyên cũng sớm nếm trải nỗi vất vả vì sinh ra trong một gia đình có tới 6 người con. Từ câu chuyện của bố mẹ mình, chị Tuyên và anh Hữu hiểu rõ, nguyên nhân khiến cái nghèo đeo bám là do không sinh đẻ có kế hoạch. “Đời bố mẹ đã vậy thì mình phải khác”, nghĩ thế vợ chồng chị Tuyên đã cam kết không sinh con thứ ba ngay sau khi cháu Hồ Hữu Đức Trí chào đời. “Nghe cán bộ dân số chia sẻ về chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số sinh con có kế hoạch, vợ chồng mình và một số hộ dân khác trong xã đã đăng kí ngay. Số tiền được hỗ trợ hai vợ chồng mình dùng để mua sữa, thức ăn, áo quần… cho con. Món quà từ chính sách dân số giúp vợ chồng mình thêm quyết tâm sinh đẻ có kế hoạch”, chị Tuyên chia sẻ.

Ở xã Tà Long, huyện Đakrông, trước đây một số phụ nữ vẫn giữ quan niệm “đông con, đông của”. Tuy nhiên trên thực tế càng đông con, gánh nặng trên vai người phụ nữ càng nặng thêm. Mặc dù nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhưng nhiều gia đình vẫn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Đến nay, toàn xã Tà Long có 262 phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, phần lớn các hộ đều đông con. Thực tế ấy giúp chị em ở xã Tà Long sớm hiểu tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch. Ngày có càng nhiều cặp vợ chồng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện chính sách dân số. Sau khi kí cam kết, một số cặp vợ chồng trẻ đã nhận được sự hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long Hồ Thị Thương khẳng định: “Nghị định số 39/2015/NĐCP của Chính phủ là một chính sách hay, thiết thực, góp phần cổ vũ, động viên chị em vùng khó, người đồng bào dân tộc thiểu số sinh đẻ có kế hoạch. Giờ đây, trên địa bàn xã, rất ít chị em còn nặng mang quan niệm “đông con, đông của” như ngày xưa”.

 Nhiều phụ nữ hộ nghèo người dân tộc thiểu số quyết định dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Ảnh: QH

Nhiều phụ nữ hộ nghèo người dân tộc thiểu số quyết định dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Ảnh: QH

Theo Nghị định số 39 đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn. Họ phải đảm bảo nghiêm túc yêu cầu sinh một hoặc hai con; sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sinh lần thứ nhất mà sinh ba trở lên; đã có một con đẻ nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ)… và một số trường hợp khác. Định mức hỗ trợ đối với chị em trong các trường hợp trên là hai triệu đồng/người. Đối tượng thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.

Ngay sau khi ra đời, Nghị định số 39 đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao, đặc biệt từ phụ nữ thuộc diện hộ nghèo là người dân tộc thiểu số trên cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Trước đây, ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, từng có thời điểm, người dân không quan tâm đến chuyện sinh đẻ có kế hoạch. Mang nặng quan niệm “đông con, đông của”, “sinh con trai để nối dõi tông đường” nên nhiều cặp vợ chồng mặc sức sinh con. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cuộc sống gia đình họ quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu. Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong thiếu thốn, không được chăm sóc, nuôi dạy chu đáo nên hầu như đều bị suy dinh dưỡng, đau ốm, thất học… Đây cũng chính là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền, ngành, đơn vị liên quan và người dân trên địa bàn tỉnh.

Để thay đổi thực tế trên, lãnh đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh hiểu rằng việc cần thiết nhất là thay đổi quan niệm “đông con, đông của” vốn đã hằn sâu thành nếp. Ngay lập tức, những con người tâm huyết đã vào cuộc với nhiều mô hình, cách làm hay. Nỗ lực ấy được tiếp sức bằng nhiều chính sách dân số thiết thực, hiệu quả như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn, cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; xây dựng mạng lưới cán bộ, cộng tác viên dân số đảm bảo cả số lượng lẫn chất lượng; xây dựng các nhóm nòng cốt, câu lạc bộ để tuyên truyền, vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch; nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số… Từ thực tế đã đi, nghe, nhìn, thấy và sự tuyên truyền, vận động của những người làm công tác dân số, nhận thức của bà con trên địa bàn, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao. Hiện nay, hầu hết người dân đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy con cho tốt. Trong tỉnh, số làng không có người sinh con thứ ba ngày càng nhiều thêm. Các cặp vợ chồng đã tự nguyện sử dụng các biện pháp tránh thai để sinh đẻ có kế hoạch.

Trong bối cảnh nhận thức của người dân trên địa bàn, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi đáng kể, sự ra đời của Nghị định số 39/2015/ NĐ-CP của Chính phủ được xem là “cú hích” đúng thời điểm. Ngay sau khi tham dự các buổi truyền thông giới thiệu Nghị định 39, nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo đã bàn với chồng chỉ sinh từ 1 - 2 con. Họ tự nguyện làm tờ khai đề nghị hỗ trợ kinh phí sinh con đúng chính sách dân số và cung cấp đầy đủ bản sao có chứng thực các giấy tờ liên quan. Anh Hồ Cu Lết, cán bộ dân số xã A Túc cho biết: “Trước đây, chúng tôi phải vất vả đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách dân số. Tín hiệu vui là hiện nay một số người dân đã tự giác tìm đến chúng tôi, trong đó có những cặp vợ chồng làm hồ sơ xét hưởng chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh đẻ có kế hoạch. Đó là điều những người làm công tác dân số như tôi rất vui mừng”.

Theo thông tin từ Chi cục Dân số - KHHGĐ, từ năm 2016 đến nay, nhiều cặp vợ chồng trên địa bàn đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách dành cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 460 trường hợp được thụ hưởng chính sách. Điều đáng ghi nhận là họ dừng lại ở hai con không phải do muốn nhận khoản tiền được hỗ trợ theo quy định mà đã ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch. Điều ý nghĩa nhất mà Nghị định 39 mang lại là giúp bà con vùng khó thêm nêu cao hơn quyết tâm trong thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144897