Động lực giúp Đồng Lách thoát nghèo

Dù đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, song, đời sống của người dân thôn Đồng Lách, xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) vẫn còn nhiều khó khăn vì tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vậy đâu là giải pháp để Đồng Lách sớm thoát nghèo?.

Đường về thôn Đồng Lách.

Đường về thôn Đồng Lách.

Đường vào thôn Đồng Lách chưa đến 4km nhưng tôi phải mất hơn 30 phút đánh vật với con đường nhiều “ổ gà”, “ổ trâu” và có nhiều đoạn quanh co, khúc khuỷu... Từ trên triền dốc nhìn xuống, thôn Đồng Lách nằm lọt thỏm giữa một thung lũng, xung quanh là dãy núi Răng Cưa, dựng thành vách đá vôi xám ngắt bao quanh.

Trưởng thôn Đồng Lách, Ngân Văn Cường, cho biết: Thôn hiện có 123 hộ với 560 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Thái. Hiện nay, cuộc sống của bà con trong thôn đã được nâng lên rất nhiều, nhưng nếu so với mặt bằng chung của xã Tân Trường thì còn rất nhiều khó khăn. Trong thôn hiện có 18 hộ nghèo (14,6%) và 39 hộ cận nghèo (31,7%).

Ông Cường cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo cao có nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi nhất vẫn là do điều kiện sản xuất không thuận lợi. Mặc dù, thôn có đến 25ha đất trồng lúa và kỹ thuật canh tác lúa lai, lúa thuần đã được bà con áp dụng trong mấy năm qua. Song, do nguồn nước tưới phục vụ cho toàn bộ diện tích đất canh tác không đảm bảo nên chỉ có 18ha có thể gieo cấy được. Diện tích lúa cấy này phụ thuộc hoàn toàn vào 3 hồ chứa, nếu nắng nóng và khô hạn kéo dài (thường diễn ra vào cuối vụ chiêm, đầu vụ mùa), nước trong hồ không đủ cung cấp tưới nên năng suất đạt thấp. Vụ chiêm xuân chỉ đạt 2 tạ/sào, vụ mùa chỉ đạt 60 - 70kg/sào, thậm chí là mất trắng.

Do nguồn nước tưới khó khăn, 1ha đất trồng màu với các loại cây trồng như ngô, lạc năng suất cũng không ăn thua, chỉ được vài chục kg/sào, ông Cường cho biết thêm.

Ngoài khó khăn về điều kiện canh tác, con đường huyết mạch, nối thôn với trung tâm xã, chiều dài 8km thì có gần 5km đi lại rất khó khăn. Nếu trời mưa thì không mấy ai dám vượt núi xuống trung tâm xã vì đất bám, đường lại dốc và trơn trượt, rất nguy hiểm. Do đường sá đi lại khó khăn nên giao thương hàng hóa giữa bà con trong thôn, trong xã và các xã lân cận rất hạn chế. Đa số sản phẩm của bà con làm ra được trao đổi trong thôn với nhau. Chỉ có trâu, bò mới bán ra ngoài do thương lái vào tận nơi để mua nhưng giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường tại thời điểm...

Không chỉ khó khăn về giao lưu hàng hóa, các hoạt động khác trong thôn như việc đi lại học tập của các cháu (từ bậc THCS ra trung tâm xã đi học), hay mỗi khi trong thôn có người cần đi bệnh viện cấp cứu, gọi xe rất khó, nhất là vào ban đêm vì người đi không quen sẽ rất khó và nguy hiểm...

Từ những khó khăn trên, để tạo động lực cho thôn Đồng Lách sớm thoát khỏi khó khăn, ông Cường cho rằng: “Cần nhất làm một con đường. Bởi có đường lớn, đi lại thuận lợi thì mọi hoạt động giao thương với thế giới bên ngoài mới thông suốt, con em đi học đỡ vất vả. Tiếp đến nữa là hệ thống thủy lợi. Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng lúa nước phụ thuộc vào lượng nước tích trữ từ 3 hồ đập. Tuy nhiên, các hồ đập này do ở trên cao, lại bị bồi lắng nên không thể tích nước, dẫn đến người dân không thể tự chủ được sản xuất. Nếu giải quyết được 2 yếu tố mang tính then chốt này, đời sống của Đồng Lách sẽ sang một trang mới”.

Về câu chuyện của Đồng Lách, ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, cho biết: Những khó khăn của Đồng Lách đã quá rõ. Để giúp thôn tháo gỡ bớt khó khăn, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, thị xã Nghi Sơn đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ bà con, như: hỗ trợ con giống, tạo sinh kế cho bà con thoát nghèo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: làm đường giao thông trong thôn, xây mới nhà văn hóa thôn. Hiện, đang tu sửa, nâng cấp 3 phòng học và xây mới thêm 3 phòng học, đảm bảo chỗ ngồi cho các cháu học mầm non và tiểu học... Nhìn chung, cơ sở hạ tầng cũng như đời sống người dân trong thôn cơ bản ổn định và nâng lên rất nhiều so với trước. Duy chỉ có hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đường từ thôn ra trung tâm xã có nhiều khó khăn. Điều đáng mừng, dự án làm đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn, với tổng mức đầu tư lên đến 70 tỷ đồng đã được phê duyệt và lựa chọn xong nhà thầu. Nếu không có gì thay đổi thì trong tháng 4/2025 sẽ được khởi công. Về kinh phí nạo vét 3 hồ đập thủy lợi, giúp bà con Đồng Lách chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, ông Hùng cho biết, địa phương đã có ý kiến đề xuất với cấp trên về nguồn vốn đầu tư, hy vọng sẽ sớm nhận được sự quan tâm kịp thời.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dong-luc-giup-dong-lach-thoat-ngheo-36512.htm