Động lực giúp nông thôn Bắc Yên 'thay da đổi thịt'

Hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới chính là chìa khóa giúp huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập cho người dân.

Đến với Bắc Yên hiện tại, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của huyện vùng cao này. Các xã vùng cao như Hồng Ngài, Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, tập trung chăn nuôi đại gia súc, phát triển cây sơn tra, cây ăn quả, trồng rừng và dược liệu dưới tán rừng.

Gia tăng giá trị sản xuất

Còn tại các xã vùng thấp như Song Pe, Phiêng Ban, Chiềng Sại, Phiêng Côn, Chim Vàn, Pắc Ngà... lại đang gặt hái nhiều thành công ấn tượng với mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển đa dạng các loại cây ăn quả, rau màu nhiệt đới.

Đơn cử, sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới đang là hướng đi mà HTX nông nghiệp bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên lựa chọn nhằm nâng cao giá trị canh tác cho thành viên, nông dân liên kết, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Với sự năng động trong sản xuất, đến nay, sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX Cao Đa 1 đang có gần 20 ha cây măng tây, sản lượng 30kg/ha/ngày, giá bán ra thị trường dao động ở mức 50.000 - 100.000 đồng/kg. Ngoài trồng ở Bắc Yên, HTX còn mở rộng diện tích tại các huyện Mai Sơn, Sông Mã và Vân Hồ.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là điểm tựa để Bắc Yên xây dựng nông thôn mới (Ảnh: BSL).

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là điểm tựa để Bắc Yên xây dựng nông thôn mới (Ảnh: BSL).

Cùng với măng tây, chuối tiêu hồng cũng là cây trồng được HTX Cao Đa 1 lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ, vì phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Hiện, HTX mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng lên 7ha với năng suất gần 13 tấn/ha. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu.

Đáng chú ý, thời gian qua, tại các xã trọng điểm kinh tế như thị trấn Bắc Yên, Mường Khoa, Tà Xùa... đang đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ thương mại, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các vùng khác trên địa bàn huyện kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Nhờ thành công trong chuyển đổi, đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 245 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất an toàn, trong đó gần 219 ha VietGAP, 15 ha nông nghiệp hữu cơ, 12 ha tưới tiết kiệm.

Hiện, HTX Nông nghiệp và Chè Tà Xùa đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha chè. Trong số hơn 2.900 ha cây ăn quả toàn huyện đã có 44% diện tích áp dụng giống, công nghệ mới, chủ yếu gồm: nhãn chín muộn, xoài GL4, mận hậu, bưởi da xanh...

Tạo động lực cho nông thôn mới

Việc phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bắc Yên những năm qua đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2022, tổng đầu tư toàn xã hội huyện Bắc Yên đạt 789 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 161 tỷ đồng, vượt gần 23% kế hoạch UBND tỉnh giao. Qua rà soát, đánh giá, đến nay trên địa bàn huyện có 4 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí nông thôn mới gồm xã Phiêng Ban, Mường Khoa, Tà Xùa, Song Pe; 11 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí là xã Tạ Khoa, Làng Chếu, Phiêng Côn, Chiềng Sại, Chim Vàn, Pắc Ngà, Hang Chú, Xím Vàng; Hồng Ngài, Hua Nhàn, Háng Đồng.

Đặc biệt, để đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, liên kết các hộ sản xuất phát triển bền vững, huyện đã khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân liên kết thành lập các HTX, đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Toàn huyện hiện có 41 HTX, trong đó có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, duy trì và nâng cao 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (tăng 1 sản phẩm so với năm 2021). Doanh thu bình quân của HTX đạt 340 triệu đồng/năm.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được huyện tiếp tục được đẩy mạnh. Riêng năm 2022, huyện đón trên 133.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt 99,5 tỷ đồng. Huyện cũng hoàn thành công tác xóa nhà tạm, giai đoạn 2021-2025 theo Đề án 33 của UBND tỉnh. Theo Quyết định số 353-/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Bắc Yên không còn trong danh sách huyện nghèo.

Trong năm 2023, huyện Bắc Yên đặt mục tiêu đạt kế hoạch bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 10,8 tiêu chí/xã, trong đó phấn đấu 2 xã Tà Xùa và Phiêng Côn đủ điều kiện đăng ký công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. Duy trì, hướng tới nông thôn mới nâng cao với 2 xã Mường Khoa và Phiêng Ban đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2021.

Theo đó, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển sản xuất, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn nông nghiệp chế biến với phát triển công nghiệp, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, huyện chú trọng xây dựng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%. Tạo điều kiện bứt phá về kinh tế và góp phần xây dựng thị trấn Bắc Yên hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại IV vào năm 2025.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/dong-luc-giup-nong-thon-bac-yen-thay-da-doi-thit-1092941.html